Thứ Tư

26 câu nói nổi tiếng nhất của Hồ Chủ Tịch vẫn để lại những bài học sâu sắc cho đến ngày nay

Dưới đây là những câu nói nổi tiếng nhất của Bác trong suốt cả cuộc đời hi sinh vì cách mạng dân tộc và vẫn còn nguyên vẹn giá trị cho đến ngày hôm nay.

Bác Hồ tên thật là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 và mất ngày 2 tháng 9 năm 1969. Bác đã trở thành một vĩ nhân, một huyền thoại bất tử trong lòng mỗi người dân Việt Nam và mỗi khi nhớ đến chủ tịch Hồ Chí Minh người dân Việt Nam lại gọi Bác với những cái tên đầy âu yếm cũng như sự kính trọng và biết ơn vô ngàn như "Cụ Hồ, Hồ Chủ tịch, người cha già dân tộc". Dưới đây là những câu nói nổi tiếng nhất của Bác trong suốt cả cuộc đời hi sinh vì cách mạng dân tộc và vẫn còn nguyên vẹn giá trị cho đến ngày hôm nay.

Các bạn đọc hãy cùng tìm hiểu về sự sâu sắc trong từng lời dạy của Bác dưới đây nhé!

26 câu nói nổi tiếng nhất của Hồ Chủ Tịch vẫn để lại những bài học sâu sắc cho đến ngày nay
1. "Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu"

2. "Lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể"

3. "Tôi khuyên các bạn là chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được"
4. "Chính lòng yêu nước, chứ không phải lý tưởng cộng sản, là nguồn cảm hứng cho tôi" - Hồ Chí Minh

5. "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"
6. "Các ông giết 10 người của chúng tôi, chúng tôi giết 1 người của ông, nhưng cuối cùng các ông sẽ là người kiệt sức"

7. "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang"
8. "Trẻ em như búp trên cành; biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan"

9. "Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn ? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu đến chừng nào?"

10. "Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm"
11. "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội"

12. "Việc gì, dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng lại thành lợi to"

13. "Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân"
Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi
14. "Chúng ta phải nhớ rằng: người tài ai cũng có chỗ hay chỗ dở, ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Tư tưởng hẹp hòi thì hành động cũng hẹp hòi, thì nhiều thù ít bạn. Người mà hẹp hòi thì ít kẻ giúp. Đoàn thể mà hẹp hòi thì không thể phát triển"

15. "Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy chục triệu người, cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng, đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắc sẽ vẻ vang"

16. "Cách dạy trẻ: cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ làm cho chúng trở nên già cả"

17. "Chữ "người", nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ"

18. "Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?"

19. "Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình..."

20. "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi"

21. "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu"

22. "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời. Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn"

23. "Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi... Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. Tiết kiệm phải kiên quyết không xa xỉ. Việc đáng làm trong một giờ, mà kéo dài 2, 3 giờ, là xa xỉ. Hao phí vật liệu, là xa xỉ. Ăn sang mặc đẹp trong lúc đồng bào đang thiếu cơm, thiếu áo, là xa xỉ. Vì vậy xa xỉ là có tội với tổ quốc, với đồng bào"

24. "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"
25. "Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta làm cách mạng thành công giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn, thiếu thốn, đói khổ, tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước"

26. "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ nơi có non xanh, nước biếc để câu cá trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc: là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"

Blogcamxuc.net Sưu Tầm