Chủ Nhật

Trịnh Văn Quyết: Tiểu sử thăng trầm, từ sinh viên buôn điện thoại đến ông trùm bất động sản

Đại gia Trịnh Văn Quyết: "Tôi đi lên gần như từ hai bàn tay trắng nhưng đó là kết quả của cả một quá trình lăn lộn...mà có"

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết là người thứ hai tại Việt Nam chính thức trở thành "tỷ phú USD", sau ông Phạm Nhật Vượng. Đáng chú ý là sự kiện này đến vào thời điểm ông Quyết chỉ mới 41 tuổi và Tập đoàn FLC chỉ mới kỷ niệm 15 năm thành lập.

Năm 1975 tại vùng đất cổ Vĩnh Phúc, ông Trịnh Văn Quyết được sinh ra trong một gia đình công chức nghèo.

Trịnh Văn Quyết: Tiểu sử thăng trầm, từ sinh viên buôn điện thoại đến ông trùm bất động sản
Hiện tại sau 41 năm, ông Trịnh Văn Quyết là đại gia giàu thứ 2 sàn chứng khoán, chỉ đứng sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Có lẽ bởi ông giàu hơn người nên cách ông bắt đầu sự nghiệp cũng chẳng giống như những người cùng trang lứa.

Tiểu sử ông Trịnh Văn Quyết

Chức Vụ: Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC , Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC. 
Ngày sinh: 27/11/1975
Cung hoàng đạo: Nhân Mã
Danh sách tài sản: FLC : 93.069.560 CP, ROS: 279.558.755 CP
Giá trị tài sản hiện tại: 24.250,97 Tỷ VNĐ, Cập nhật lúc 19:10 ngày 29/10/2016
Quê quán: Xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc
Đang sinh sống: Lô 30, BT6, Khu đô thị Mỹ Đình II, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, HN
Học vấn: Cử nhân luật (Đại học Luật Hà Nội)
Cử nhân Hành chính (Học viện Hành chính Quốc gia)
Thạc sỹ Quản trị kinh doanh (Đại học Irvine, Hoa Kỳ)
Tiến sỹ Quản trị kinh doanh (Đại học Quốc tế Hoa Kỳ)

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông vào TP.HCM học sửa chữa điện tử và tối tự học để tìm có thể thi đại học. Năm 1995, ông Quyết bắt đầu vào học ĐH Luật Hà Nội khi đã 20 tuổi. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Trịnh Văn Quyết đã mở văn phòng gia sư, buôn bán điện thoại và nuôi các em ăn học. Ra trường năm 1999, ông Quyết thành lập công ty Tư vấn Đầu tư SmiC và 5 năm sau là Trưởng văn phòng Luật sư SmiC.

Từ năm 2008 đến nay, ông Quyết giữ cương vị Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC - chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ. Sau vụ Honda Vietnam tranh chấp với công ty GMN về khoản 2,2 triệu đô la Mỹ tiền đền bù đất đai ở Hưng Yên và giúp Techcombank thắng kiện một nhóm khách hàng năm 2005..., tên tuổi Trinh Văn Quyết nổi danh trong giới kinh doanh.

Từ luật sư rẽ ngang sang làm bất động sản, đại gia Vĩnh Phúc gặt hái được những thành tựu bất ngờ. Ông từng chia sẻ vì là luật sư nên có nhiều mối quan hệ với những khách hàng kinh doanh bất động sản, có vốn liếng và kinh nghiệm, ông nhìn thấy cơ hội kinh doanh ở đây và cứ thế mở rộng sang bất động sản.

Năm 2008, bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của vị "luật sư kinh doanh" này xảy ra khi Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune được thành lập với số vốn 18 tỷ đồng và chuyển đổi thành Công ty cổ phần FLC 2 năm sau. Ông Trịnh Văn Quyết là một trong ba cổ đông sáng lập.

Năm 2011, FLC tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán.

FLC được đánh giá là "câu chuyện hiếm trong giới đầu tư bất động sản", nhất là trong bối cảnh thị trường suy sụp thời gian qua. Theo Zing, nhiều công ty kinh doanh bất động sản thua lỗ, nợ xấu làm trì trệ hệ thống ngân hàng, nhiều dự án dở dang, nhiều người trốn chạy bị khách hàng khiếu kiện... thì tập đoàn này đang tung ra nhiều dự án mới với những kế hoạch gọi vốn lớn.

Nhắc đến doanh nhân - đại gia Trịnh Văn Quyết không thể không nhắc đến công trình FLC The Landmark Tower vào năm 2012 trên khu đất rộng 4.500m2 nằm ở đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình II, Hà Nội). Dự án FLC Landmark Tower được xây dựng thành một tòa nhà phức hợp, 32 tầng, gồm cả khu căn hộ và văn phòng cho thuê. Riêng tiền bán căn hộ tại đây, FLC thu về 575 tỷ đồng vào năm 2012.

Vì vậy, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, thị trường bất động sản khó khăn vào những năm 2011-2013 thì đây lại là thời gian rất thành công của FLC.

“Chúng tôi nghĩ mình không là gì ghê gớm cả, nhưng phải biết cách tồn tại và khi cơ hội đến, phải biết chớp lấy, ngay cả khi thị trường còn đang khó khăn, để vươn lên” ông chủ 40 tuổi của tập đoàn FLC Group - Trịnh Văn Quyết trả lời PV Forbes Việt Nam.

Năm 2016, sau thương vụ mua gần 100 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Xây dựng Faros (ROS), Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã vượt qua ông chủ Hòa Phát Trần Đình Long trở thành người giàu thứ 2 sàn chứng khoán Việt với tổng tài sản trên sàn chứng khoán đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Theo Trí thức trẻ, từ khi trở thành người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt, ông Trịnh Văn Quyết đã kiếm thêm cho túi tiền trên sàn chứng khoán của ông thêm gần 5.231 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, trong 10 ngày qua (từ ngày 26/9 - 6/10), mỗi ngày vị đại gia này kiếm được hơn 523 tỷ đồng.

Đối với vị đại gia Vĩnh Phúc, sự thân trọng trong kinh doanh không bao giờ thừa. Ông từng chia sẻ với Tri thức trẻ: “Tôi mất những năm tháng tuổi trẻ ít sôi nổi và..yêu đương. Những năm tháng đó là để tích lũy kinh nghiệm và kinh doanh“. Với khối tài sản khổng lồ và những kinh nghiệm gần nửa cuộc đời mà ông đã chia sẻ, đại gia Trịnh Văn Quyết đang là một hiện tượng mới - của lĩnh vực bất động sản và của giới doanh nhân Việt.

Tỷ phú USD và dấu ấn Faros

Tuy FLC là nền tảng quan trọng của ông Trịnh Văn Quyết, bước ngoặt tỷ phú đã được quyết định bởi "dấu ấn Faros", một doanh nghiệp khác của ông Quyết mới chỉ lên sàn gần đây.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/10, ông Trịnh Văn Quyết đã trở thành tỷ phú USD thứ 2 trên TTCK Việt Nam nhờ sở hữu 280 triệu cổ phiếu ROS, tương đương 65% vốn điều lệ của Faros và hơn 93 triệu cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC.

Kết thúc ngày giao dịch 27/10/2016, tổng giá trị phần sở hữu của ông Quyết tại 2 doanh nghiệp này là hơn 22,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,02 tỷ USD).

Trước ông Quyết, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vingroup đã trở thành tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam. Hiện tại, ông Vượng có tài sản trị giá hơn 30 ngàn tỷ đồng, gần gấp rưỡi ông Quyết và gấp 4 lần người đứng ở vị trí thứ 3 là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.

FLC hiện đã trở thành doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường, trong khi Faros đang là "hiện tượng" trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2016. Công ty này vừa là nhà thầu xây dựng, vừa là nhà đầu tư cho một số dự án với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng, dự kiến năm 2018 sẽ đưa vào khai thác.

Theo kế hoạch ước tính sơ bộ của Faros, dự kiến Công ty sẽ đạt gần 490 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2016, các năm 2017, 2018 ước đạt tương ứng là 624 tỷ đồng và 663 tỷ đồng.

Theo Vietq & Vietnamfinance