Thứ Sáu

Trả cho tôi Hồng Nhung của hơn 15 năm trước!

Hồng Nhung của hơn 15 năm trước vô cùng trong trẻo và tinh tế. Cái tinh tế của Hồng Nhung đã làm thổn thức một thế hệ nghe nhạc. Vậy còn Nhung của ngày hôm nay?

Có người gọi Hồng Nhung là "bà cô" trong âm nhạc. Lúc nào cũng chỉn chu, kỹ càng và hướng mọi thứ thật hoàn hảo.

Người ta cũng cho rằng, sự kỹ càng ấy lấn sang cả phong cách sống. Đến mức, nếu Hồng Nhung "lên bàn đẻ" cũng phải đẹp.

Trả cho tôi Hồng Nhung của hơn 15 năm trước!
Lời ăn tiếng nói thì cân nhắc từng chữ, thậm chí cả rào trước đón sau, đố mà ai bắt lỗi. Tất thảy những điều đó đã mang đến cho Hồng Nhung một phong cách, đúng hơn là một kiểu cách mà nghĩ đến Hồng Nhung, bạn đã nghĩ đến điều gì.

Có thể, bạn thường nhìn vào Hồng Nhung ở sự khéo léo, "khéo léo", đôi khi, "khéo quá chịu không nổi". Nhưng cái vật báu mà Hồng Nhung sở hữu, đi vào phong cách một thời và toát ra giọng hát, đó chính là sự tinh tế.

Sở hữu sự tinh tế ấy, dù trong ứng xử, chị có quá khéo léo, bạn vẫn thấy dễ thương, dễ chịu. Và Hồng Nhung của hôm nay vẫn chỉn chu, vẫn kỹ càng, vẫn khéo léo như thế, thậm chí là hơn thế. Nhưng sự tinh tế thì "đã khác xưa theo".

Đâu rồi nụ cười đánh thức sân khấu?

Nhung của ngày ấy, những chiếc răng khểnh chỉ chờ "khoe vũ khí" mỗi lần Nhung cười. Nhiều người gọi, đó là nụ cười đánh thức sân khấu.

Cái nụ cười cần thấy sau nhiều thập kỷ sân khấu nặng nề với những giai điệu buồn, khán giả cần một sự trong sáng thật sự, một sự tươi mới thật sự.

Thế hệ chúng tôi vẫn nguyên cái ấn tượng chờ đợi mỗi lần Nhung xuất hiện với "Em đâu có biết, lúc mặt trời sinh ra. Mặt trời là nước mắt, suốt một đời mẹ cha". Rất tự nhiên, trong trẻo. Bài hát trong trẻo. Nụ cười cũng trong trẻo.

Có thể nói, Hồng Nhung là nốt nhạc trong trẻo nhất trong thế giới nhạc Việt thập niên 90, đầu 2000. Chẳng cần sở hữu một giọng hát quá khủng. Chẳng cần sở hữu một nhan sắc quá mặn mà và những vũ điệu rườm rà. Nhung cứ thế, tinh tế, giản dị đã thành một điểm sáng kim cương của sân khấu ca nhạc một thời điểm.

Dù đứng trên đỉnh cao, nhưng Hồng Nhung rất kỹ càng với những sản phẩm tung ra thị trường. Không giống như các ca sĩ khác, tranh thủ thời cơ thì "đẻ đĩa", ngược lại, Nhung thật ít và thật chỉn chu. Nhưng cái nào ra tấm ra món cái đó.

Nhung kỹ càng từ chuyên đề của CD, cách chọn bài, cách hoà âm phối khí đến việc nắm hơi thở của người nghe trong từng thời điểm, để cho ra đời một sản phẩm hoàn hảo nhất.

Giai đoạn 1996 – 1998 là thời điểm khán giả cả nước phát sốt mỗi lần nghe Nhung hát về Hà Nội. Nhung đánh thức những tâm hồn thổn thức bởi "Dù có đi bốn phương trời. Lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu…"

Chị ra CD "Đoản khúc mùa Thu Hà Nội" với 10 ca khúc về Hà Nội. Giọng nói, cách hiểu, cách yêu Hà Nội của Hồng Nhung thấm vào từng giai điệu khi chuyển tải, CD này thực sự là sản phẩm "Hà Nội nhất" trong tất cả những sản phẩm âm nhạc về Hà Nội.

Giọng Nhung sáng, thêm cái da diết ẩn mình phía sau sự tinh tế của một người con xa xứ hát về quê hương, khiến CD thêm độ sâu.

Dù không nắm con số chính xác, nhưng chị Thanh Thuỷ, người hợp tác cùng Hồng Nhung trong dự án này cho biết, đây là CD bán "khủng" nhất nhiều giai đoạn và đến nay, vẫn là một CD bán chạy.

"Bài hát ru cho anh", CD những ca khúc Dương Thụ, làm sâu và đẹp thêm tiếng hát của Hồng Nhung, nhưng cũng công bằng mà nói, từ giọng hát Hồng Nhung ở CD này, đã mang lại tiếng tăm cho nhạc sĩ Dương Thụ.

Những ca khúc nhẹ nhàng, sâu sắc nhưng trong trẻo, qua giọng hát của Hồng Nhung vẫn luôn là một tác phẩm tuyệt đẹp trong làng nhạc, trong "Bài hát ru cho anh".

Một dòng suối trong, là CD "Chợt nghe em hát", không một ai yêu nhạc thập niên 90 là không yêu mến và thèm khát CD này. CD đầu tiên của Hồng Nhung, trong như không thể trong hơn, đẹp như không thể đẹp hơn.

Đĩa nhạc này khẳng định một tiếng hát tinh tế nhất làng nhạc đã được định hình. Sự tinh tế toả ra mọi thứ, nhất là nét cười từ bộ răng khểnh đáng yêu.

Nét cười ấy là nét cười được chờ đợi mỗi lần Hồng Nhung ra sân khấu. Đến mức, trong chương trình "Lênh đênh biển", dù thời điểm này Thanh Lam làm mưa làm gió với "Hoa sữa", nhưng nhạc sĩ Hồng Đăng vẫn mời Hồng Nhung hát.

Hồng Nhung váy trắng, đứng trên gác lửng của nhà hát lớn nhả từng chữ: "Em vẫn từng đợi anh, như hoa từng đợi nắng", và toả nắng với nụ cười ấy, đã đánh gục trái tim bao khán giả trong chương trình.

Thời gian trôi đi. Nét cười đó cũng biến mất cùng với bộ răng khểnh. Sự trong trẻo cũng mất dần trong phong thái và sự tinh tế cũng vơi dần trong giọng hát. Đến mức, những người say đắm giọng hát chị, đã không còn nhận ra một Hồng Nhung của năm xưa.

Giọng hát nào theo thời gian cũng phôi pha, nhưng cái hồn của giọng hát còn ở lại hay không đều do cái thần thái hiếm có của người nghệ sĩ ấy có còn được giữ lại hay không.

Xưa, có những lúc Nhung kéo dài trường độ của nốt nhạc, tự dưng ca khúc được sống một cuộc sống khác, đẹp hơn, dễ chịu và tinh tế hơn. Nay, cũng sự kéo dài ấy "Ru mãi ngàn năm… năm …ăm …ăm…" nghe sao thật khác. Không còn tự nhiên nữa.

Vai mang đầu đội đến khổ sở

Vẫn với sự chắc chắn và muốn mọi thứ phải hoàn thiện, càng về sau, Hồng Nhung càng kén ra album. "Ngày không mưa" là CD Nhung mở lòng ra nhiều hơn với những điều mới mẻ của thời điểm ấy. Nhung hát nhạc đương đại hơn, chấp nhận những sáng tạo trong hoà âm.

Và rồi sau đó, Nhung chìm vào "Khu vườn yên tĩnh" trong cuộc sống của mình. Không phải là "về hưu" trong sự nghiệp, mà chọn cho mình một không gian bao bọc lấy bản thân, giữa đời sống xô bồ và lộn xộn của âm nhạc các thời điểm sau đó.

Chị tập yoga để giữ mãi tuổi xuân. Hàm răng thay đổi, không còn những chiếc răng khểnh. Nụ cười xưa khác là điều chắc chắn. Cái làn hơi phát ra từ những âm điệu khi nói và khi hát cũng khác xưa nhiều.

Nhung trầm hơn trong cuộc sống. Không chọn kinh doanh hay bất cứ công việc gì khác khi qua thời đỉnh cao, mà về chăm chút không gian sống, với căn nhà, với khu vườn của mình. Và yêu theo cách của chị.

Căn nhà Hồng Nhung được thiết kế theo lối Bắc, từ bàn tay của nhạc sĩ Dương Thụ. Cây cối trong vườn cũng đưa về từ phương Bắc, gợi một phương Bắc yên tĩnh như cây liễu đỏ bên hồ cá, cây chuối cuối vườn, cây đại cau, giàn Dạ lý hương và cây hoa leo màu ngói đỏ.

Trong ngôi nhà ấy, cuộc sống của chị vẫn kín. Kín như từ xưa đến nay ít khi chị nói cho ai biết. Chẳng hiểu có phải cái tĩnh này đã làm mất đi một Hồng Nhung trong trẻo của ngày xưa hay không, nhưng thực sự, chính sự tĩnh này, đã làm cho chị xưa chỉn chu một thì nay lại chỉn chu mười.

Cô Bống nhỏ bé, tóc thẳng, váy áo giản dị khiến khán giả yêu như không thể yêu hơn trên sâu khấu, cũng đã không còn.

Thay vào đó là quần áo nhiều ren, lua rua, mang nhiều phụ kiện và đặc biệt là trên đầu luôn có hoa có lá.

Dĩ nhiên, Hồng Nhung chọn mặt gửi vàng cho một nhà thiết kế người Pháp Mckenzie, một người phát triển thời trang tại thị trường Việt Nam. Người này có nhiệm vụ làm cho Hồng Nhung cao hơn, rực rỡ hơn trên sân khấu, thay vì nhỏ nhắn như năm nào.

Và từ đó, rất dễ nhận thấy, cứ mỗi lần Hồng Nhung lên sân khấu là y như rằng, cứ "vai mang đầu đội" đến…khổ sở. Một Hồng Nhung giản dị xưa đã được thay bởi một con người rực rỡ như hội hè.

Không làm sao giữ lại

Việc một hình ảnh, một giọng hát khác đi, cũng là lẽ tất yếu, và còn tuỳ vào cảm nhận của mỗi người nữa. Ai yêu sự giản dị, sùng bái sự tinh tế thì yêu dáng Nhung xưa. Ngược lại, ai muốn hiện đại, muốn sống động thì sẽ mê Nhung của ngày hôm nay.

Như tôi, vẫn để những CD ngày xưa của Hồng Nhung ở một góc trang trọng nhất trong kệ đĩa của mình. Khi cần sống lại kỷ niệm của mình những ngày cũ, thì lại cho vào máy chiếc đĩa "Bài hát ru cho anh", để nghe "Ô cửa sổ mùa Đông" trong sự viễn vọng về miền Bắc khi mùa Đông sắp về.

Không phải chỉ nghe một ca sĩ, một giọng hát, mà hướng tâm hồn mình vào một sự tinh tế có thật, thứ mà con người trong cuộc sống hiện đại đang ngày càng thiếu đi. Thứ mà có lẽ, ngay cả người để lại dấu ấn ấy, cũng đã thiếu.

Mỗi lần cầm CD này, tôi thường nói với mình: Hãy trả về cho tôi Hồng Nhung của hơn 15 năm trước.

Nhưng biết sao được, như cái kết ca khúc Ô cửa sổ mùa Đông, "tan cơn mơ và Nhung thật xa, không làm sao giữ lại…"

*Bài viết thể hiện trải nghiệm và quan điểm của tác giả

Theo Trí thức trẻ