Thứ Sáu

Quy trình xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ

Bởi nhiều trường hợp công an lợi dụng người vi phạm không biết luật nên “hét giá” mức phạt gấp 3-4 lần nhằm “dọa” cho người vi phạm sợ mà “thôi em xin…” để rồi đòi "đút lót" mới cho đi, trong khi mức phạt thực tế nhỏ hơn nhiều (có bạn bị lỗi theo luật là phạt 70K, CA dọa lỗi này 500K, bạn ấy xin xuống được thành 250K) => nếu chịu khó  mất chút công, làm đúng luật thì đỡ thiệt hại hơn nhiều mà ít ra tiền được đóng góp ngân sách nhà nước chứ không rơi vào túi bọn tham nhũng. Tuy rằng làm đúng luật sẽ mất công hơn một chút nhưng mình sai mình chịu phạt, coi như mất tiền để có kinh nghiệm an toàn, không phải xin xỏ ai và cũng không mang ấm ức trong lòng. CA dần rồi cũng sẽ ít bắt láo hơn.

Quy trình xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ
Dưới đây Ad trình bày một quy trình cơ bản theo quy định để các bạn biết được, tránh bị dọa dẫm, phạt sai lỗi, sai mức tiền phạt, sai thẩm quyền... Sở dĩ ad chỉ ghi chung là “Công an”  bởi đôi khi Công an phường, Công an xã, Cảnh sát trật tự, 113 thậm chí là Thanh tra giao thông… cũng có thể dừng xe và xử lý bạn (có trường hợp CSGT còn dọa phạt lỗi không mang theo chứng minh thư nhân dân). Nếu không đang thực thi nhiệm vụ, không có thẩm quyền phạt hay định phạt láo, “dọa dân” thì họ sẽ không làm theo quy trình, không dám viết ra giấy trắng mực đen như tình hình thực tế.

Tóm tắt quy trình: Dừng xe, báo lỗi =>
- Nếu mức phạt 250K trở xuống => QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT TẠI CHỖ (Mục 1) nộp tại chỗ hoặc ra kho bạc.
- Nếu mức phạt trên 250K thì LẬP BIÊN BẢN (Mục 2), để lại giấy tờ rồi đi, hôm khác đến nhận QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT (Mục 3), đóng phạt tại kho bạc

Khi bạn bị dừng xe, sau khi thực hiện quy trình như đã trình bày ở Note trước (Kinh nghiệm xử lý từ A-Z http://goo.gl/oruIwv ), nếu thấy đã đúng lỗi hoặc không biết rõ lỗi, bạn cũng nên yêu cầu lập biên bản (hoặc ra Quyết định xử phạt tại chỗ), giấy trắng mực đen rồi đi hỏi sau, nếu họ “làm láo” thì giấy tờ đó là cơ sở để khiếu nại sau này.

1. Đối với Quyết định xử phạt “tại chỗ”. 

Trích Luật xử lý vi phạm hành chính:
Điều 56. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Như vậy, đối với vi phạm có mức phạt từ 250.000 trở xuống (đối với từng hành vi) thì họ PHẢI ra "Quyết định xử phạt VPHC theo thủ tục không lập biên bản", quy định này tạo điều kiện cho người vi phạm có thể giải quyết sớm nhất có thể vi phạm của mình, không buộc phải đợi trong vòng 7 ngày mới đi lấy QĐ xử phạt, nộp tiền kho bạc….

Quyết định xử phạt tại chỗ trông giống thế này:
Sau khi ra “Quyết định xử phạt theo thủ tục không lập biên bản”, bạn sẽ nộp phạt ngay tại chỗ cho người ra QĐ xử phạt và người xử phạt có trách nhiệm giao chobạn biên lai in sẵn mệnh giá giống như thế này:
(Tờ màu hồng)

Sẽ có nhiều mệnh giá (có màu khác nhau) để “ghép” cho đúng số tiền bị phạt ghi trong QĐ xử phạt. Các bạn nhớ lấy biên lai, giữ 1 bản Quyết định xử phạt nhé, như vậy mới chắc là ta đã đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Nộp tiền xong, lấy biên lai, cầm QĐ xử phạt và giấy tờ rồi đi thôi.

Bởi theo quy định tại Điều 69, Luật xử lý vi phạm hành chính, "Thi hành quyết định xử phạt không lập biên bản" thì người vi phạm nộp tiền tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Trường hợp người vi phạm KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG NỘP PHẠT TẠI CHỖ thì mới ra kho bạc.

Nếu C.A khi nghe đòi biên lai bèn nói “hết biên lai” thì bạn có thể yêu cầu họ ghi (ở mặt sau QĐ, hoặc yêu cầu ghi âm) rõ lý do họ yêu cầu mình ra kho bạc, đại khái "Tôi, trung úy xxx hết biên lai tại chỗ, yêu cầu anh abc nộp phạt tại kho bạc";

Trường hợp không có tiền nộp tại chỗ thì họ sẽ tạm giữ của bạn MỘT trong các loại giấy tờ theo thứ tự: GPLX; Đăng ký xe;…. Bạn để lại giấy tờ, cầm tờ QĐ, lên xe đi vay tiền rồi phi ra kho bạc vậy, nộp phạt xong họ cũng sẽ giao cho mình một tờ biên lai, mang biên lai này về trình cho người phạt rồi lấy lại giấy tờ vi vu. Hoặc không tiện thì để hôm khác ra kho bạc nộp rồi cầm biên lai đến cơ quan của người xử phạt (Phòng CSGT, Đội CSGT .... được ghi trong QĐ xử phạt) để xuất trình, lấy lại giấy tờ.

Khi đến nộp phạt tại kho bạc hoặc các ngân hàng được kho bạc ủy quyền thu phạt thì bên thu tiền sẽ giữ bản Quyết định xử phạt và giao cho bạn biên lai.

Chịu khó mất công một chút để làm đúng luật, không nên tạo điều kiện cho các chú tham nhũng.

Trích Luật xử lý vi phạm hành chính 
Điều 125
6. Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.

* Nếu không biết rõ đơn vị của người xử phạt thì bạn cần yêu cầu họ ghi ra mặt sau QĐ xử phạt, đề phòng trường hợp đi nộp phạt xong quay lại thì các chú đã hết ca thì mình phải đến đấy để lấy giấy tờ sau. (Thông tư 66)

Hãy coi việc bị tạm giữ GPLX là điều bình thường, khi cầm Quyết định xử phạt trên tay rồi thì cái Quyết định đó tạm thời có thể thay thế GPLX để tiếp tục tham gia giao thông (trừ trường hợp vẫn trong thời gian bị tước GPLX ghi trong QĐ), khi nào tiện thì đi nộp phạt rồi lấy GPLX sau (quá 10 ngày kể từ ngày QĐ xử phạt có hiệu lực thì mới tính lãi chậm nộp phạt = 0,05% x mức tiền phạt x số ngày).

Nếu số tiền phạt trên 250.000 (VD mô tô bị lỗi sai làn = 300K, hoặc bị bắn tốc độ) thì “ăn” biên bản như sau:

2. Lập biên bản
Biên bản nôm na là một văn bản để hai bên thống nhất ký xác nhận tình trạng lúc đó chứ không phải là điều gì quá khủng khiếp để mà các chú hay mang ra dọa "Lập biên bản nhé". Khi phát hiện vi phạm, người thi hành công vụ sẽ lập một cái biên bản giống như thế này:
Khi lập biên bản xong, bạn cần đọc lại biên bản, nếu đúng thì mới ký. Trong Biên bản có mục “Ý kiến của người (hoặc đại diện tổ chức) vi phạm”. Nếu có bất kỳ ý kiến gì thì bạn yêu cầu trình bày ngắn gọn vào đây rồi mới ký nhé. Đa phần họ sẽ bắt ghi là “đúng lỗi” nhưng đây là phần ý kiến người vi phạm chứ không phải “ý kiến của người lập biên bản”.

Mục “ý kiến” này rất quan trọng, nhiều khi tranh luận không ngã ngũ có bạn không chịu ký biên bản, điều này vô cùng dại dột bởi mình không ký và giữ 1 bản thì họ hoàn toàn có khả năng ghi bừa thêm lỗi vào rồi nhờ người nào đó làm người chứng kiến ký vào. Không ký biên bản rồi bị giữ giấy tờ, phương tiện mà không có bằng chứng họ giữ, sau đến giải quyết lại mất công đi làm tường trình,…. rất phiền phức. Nên nếu thấy không đúng thì bạn đòi ghi ý kiến vào mục kia rồi mới ký, điều này hoàn toàn đúng pháp luật.

Với trường hợp bị “bắn tốc độ”, theo quy định là phải có hình ảnh. Trường hợp họ không cho xem ngay mà hẹn khi nào nhận QĐ xử phạt sẽ có hình ảnh thì bạn cũng cần ghi thêm vào mục “ý kiến” rằng yêu cầu cho xem hình ảnh trước khi ra QĐ xử phạt.

Cầm biên bản trong tay, gửi lại giấy tờ, ta bon bon đi về hẹn ngày tái ngộ. 

Lưu ý Khi bị lập biên bản và tạm giữ GPLX thì bạn chưa thực sự bị tước GPLX (dù lỗi đó có hình thức xử phạt bổ sung là tước GPLX). Tuy nhiên Biên bản chỉ có tác dụng thay thế GPLX (đã bị tạm giữ) trong thời hạn hẹn đến xử lý ghi trong biên bản. Quá ngày “hẹn hò” mà bạn bị “tóm” nữa thì dù có trình biên bản này ra thì vẫn dính thêm lỗi “Không có GPLX” nhé.

* Tạm giữ phương tiện:
Nhiều bạn bị CS dọa “giam xe”, tuy nhiên không phải cứ “thích” là “giam”. Nếu bạn vi phạm các lỗi nặng (chủ yếu do lỗi về nồng độ cồn, ma túy, đua xe, lạng lách) thì mới bị tạm giữ. Việc tạm giữ phương tiện phải tuân theo quy định của Điều 125, Luật xử lý Vi phạm hành chính và phải có Quyết định (Biên bản) tạm giữ phương tiện đàng hoàng.

Khi vi phạm những lỗi có hình thức xử phạt bổ sung là "tạm giữ phương tiện" thì bạn sẽ bị lập biên bản tạm giữ phương tiện. Thời hạn tạm giữ phương tiện được tính từ ngày phương tiện bị tạm giữ thực tế (ngày vi phạm, bị lập biên bản, tạm giữ xe). Bạn có thể nhận lại xe ngay sau khi thi hành QĐ xử phạt (nộp tiền phạt). Lưu ý mình phải chịu phí giữ xe nên cần nộp phạt sớm để lấy xe sớm, đỡ tiền.

Bạn có thể sử dụng điện thoại để ghi lại hình ảnh phương tiện của mình thời điểm bị tạm giữ để có cơ sở khiếu nại nếu trong quá trình họ giữ xe bị hư hỏng, mất mát.

Khi không xuất trình được GPLX HOẶC Giấy đăng ký xe thì bạn sẽ bị lập biên bản lỗi "Không có Giấy...". Các lỗi này đều có hình thức xử phạt bổ sung là "tạm giữ phương tiện". CSGT sẽ tạm giữ xe của bạn (có ghi trong BB giao cho bạn). Trong thời hạn hẹn ghi trong biên bản mà bạn xuất trình được các loại giấy tờ trên khi đến giải quyết thì sẽ chuyển thành lỗi "Không mang theo Giấy...", các lỗi này nhẹ, không bị giữ xe nên bạn có thể lấy xe ngay sau khi nộp phạt..

*Tước Giấy phép lái xe
Với những vi phạm có hình thức xử phạt bổ sung là "tước GPLX" thì thời hạn tước GPLX được tính từ ngày Quyết định xử phạt có hiệu lực. Nếu QĐ xử phạt có hình thức "tước GPLX" mà vẫn đang trong thời hạn tước thì QĐ đó không thể thay thế được GPLX (dù đã nộp phạt hay chưa).

Thêm một phần trả lời thắc mắc của một bạn về việc "tạm giữ" và "giam bằng", "giam xe"

a. TẠM GIỮ GPLX để đảm bảo thi hành QĐ xử phạt, nói nôm na là giữ để "làm tin". Việc tạm giữ xảy ra khi CSGT phát hiện vi phạm và lập biên bản bạn ("Biên bản" chưa quyết định hình thức xử phạt) thì sẽ giữ GPLX để "làm tin" và giao cho bạn Biên bản. Lúc này bạn chưa thực sự bị tước GPLX. Trong thời hạn hẹn ghi trong biên bản thì Biên bản vẫn có tác dụng thay thế GPLX để xuất trình khi bị kiểm tra.

b. TƯỚC GPLX là hình thức xử phạt bổ sung khi bạn vi phạm những lỗi nặng. Ví dụ bạn vượt đèn đỏ, CSGT "tóm" và lập biên bản bạn lỗi "vượt đèn đỏ", tạm giữ GPLX hẹn ngày giải quyết. Lúc này bạn chưa thực sự bị tước GPLX, nếu hôm sau lượn đường bạn bị túm tiếp thì có thể trình Biên bản thay cho GPLX. Đến khi bạn nhận QĐ xử phạt, trong QĐ có ghi hình phạt bổ sung là tước "GPLX 1 tháng" thì kể từ đó bạn không được đi xe (theo luật). Nếu đi mà bị túm tiếp thì trình QĐ xử phạt ra cũng không ăn thua và bị phạt thêm lỗi "Không có GPLX".

c. CSGT sẽ tạm giữ phương tiện khi bạn vi phạm những lỗi có hình phạt bổ sung là "tạm giữ phương tiện". Thông thường chỉ các lỗi nặng thôi. Bạn xem cụ thể trong file excel tổng hợp mức phạt giao thông, dùng chức năng lọc dữ liệu để xem những lỗi bị giữ xe nhé.

Trường hợp bạn không xuất trình được GPLX hoặc ĐK xe thì CSGT cũng giữ xe (vì khi đó sẽ lập biên bản lỗi "Không có giấy....", lỗi này có hình phạt bổ sung giữ xe).

Trong thời hạn hẹn, bạn xuất trình được giấy tờ thì sẽ được chuyển về lỗi "Không mang theo giấy...." (lỗi này không bị hình phạt bổ sung giữ xe), bạn nộp phạt và lấy xe luôn.

Page cung cấp File excel tổng hợp hình thức xử phạt giao thông tại link dưới đây, bạn có thể dùng chức năng lọc dữ liệu của excel để xem những lỗi nào thì bị thêm hình thức xử phạt bổ sung là "giữ xe", tước GPLX. Link xem

3. Quyết định xử phạt
Theo quy định, trong vòng 07 ngày kể từ ngày lập biên bản thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ phải ra QĐ xử phạt (Vì thế bạn cần chú ý thời hạn hẹn ghi trong biên bản có quá ngắn hay không để ý kiến kịp thời). Nếu vì một lý do nào đó bạn không thể đến đúng hẹn được thì có thể đến sau (muộn cả tháng vẫn được), tuy nhiên khi quá thời gian "hẹn hò" đó Biên bản không có tác dụng thay thế GPLX nữa và khi đến "để giải quyết" thì không còn quyền "giải quyết" nữa mà nhận luôn QĐ xử phạt.
Hiện nay, theo Thông tư 45/2014/TT-BCA, ngày 15 tháng 10 năm 2014 của Bộ Công an thì dù chưa đến ngày hẹn giải quyết, bạn có thể đến nơi xử lý đề nghị ra QĐ xử phạt luôn, nếu đã rõ ràng, không cần xác minh thêm thì họ có thể xử lý luôn, xong sớm, lấy giấy tờ sớm, về sớm.

Các bạn lưu ý đối với trường hợp không mang theo giấy tờ: Theo quy định, nếu xuất trình được giấy tờ TRONG THỜI HẠN hẹn giải quyết ghi trên biên bản thì sẽ chỉ bị xử phạt lỗi "Không mang theo giấy...". Tuy nhiên có nhiều trường hợp người vi phạm đến trong thời hạn hẹn nhưng lại không được giải quyết (hẹn lại, CSGT đi nghỉ mát, sếp không có nhà....), hôm sau quay lại thì đã quá hạn hẹn ghi trên biên bản => bị phạt lỗi "Không có Giấy..." nặng hơn nhiều. Do đó, khi bất kỳ ai hẹn lại thì các bạn cần yêu cầu người đó ghi ngày hẹn lại vào mặt sau biên bản, ký tên vào, hoặc ít nhất cần có bằng chứng nào đó chứng minh mình đã đến đúng hẹn nhưng không được giải quyết.

Trong trường hợp không thể trực tiếp đến giải quyết thì bạn có thể đưa giấy tờ cho người khác đến thay nhưng phải làm giấy ủy quyền. Khi làm giấy ủy quyền phải có dấu xác nhận của chính quyền địa phương nơi bạn cư trú. Trong giấy ủy quyền cần ghi rõ số CMND của bạn và người được ủy quyền. Mang theo những giấy tờ cần thiết khác, CSGT sẽ tiến hành giải quyết làm các thủ tục xử lý vi phạm trả lại giấy tờ xe cho người được ủy quyền theo quy định.

Khi đến nơi, người xử lý (không hẳn là người lập biên bản) sẽ làm việc với bạn dựa trên Biên bản (có chữ ký của cả bạn lẫn người lập biên bản), và các tình tiết bạn cung cấp thêm. Sau khi xác minh các tình tiết, họ sẽ ra một Quyết định xử phạt giống thế này:

Theo quy định thì bạn sẽ được giao 02 bản Quyết định này để bạn giữ 1 bản và nơi thu tiền phạt giữ 1 bản.
Lưu ý khi C.A muốn phạt ai, phạt bao nhiêu tiền… đều phải dựa trên Quyết định xử phạt, giấy trắng mực đen dấu đỏ, ký cọt đàng hoàng nhé (kể cả phạt tại chỗ, phạt cảnh cáo). Các chú có NÓI phạt bao nhiêu cũng không cần lo lắng. Trong QĐ xử phạt sẽ ghi các lỗi mình bị phạt; mức tiền phạt cho từng lỗi… các bạn chỉ phải nộp đúng số tiền ghi trong QĐ thôi. Để có thể tra cứu mức phạt thì có thể làm theo các cách bài này
Để tra cứu mức phạt "chuẩn", các bạn chịu khó nghiên cứu Nghị định 46/2016/NĐ-CP
Lưu ý là có một số trường hợp không ra Quyết định xử phạt được quy định tại Luật xử lý VPHC:

Điều 11. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính

Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này.

Ví dụ bạn đi đúng làn nhưng bất ngờ có một xe chèn lên làm bạn phải lách ra làn ngoài để tránh và bị bắt lỗi “sai làn”, đây là tình huống cấp thiết nên dù có vi phạm nhưng không bị xử lý. Nếu họ cố tình lập biên bản thì bạn yêu cầu ghi vào phần "ý kiến" về tình huống bất ngờ đó rồi mới ký, khi đến nơi "hẹn hò" sẽ làm việc, trình bày theo Luật với người ra QĐ xử phạt sau.

11. Tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Khi đã có Quyết định xử phạt (có lập biên bản) thì bạn sẽ phải nộp phạt tại kho bạc.

Khi cầm Quyết định xử phạt (kể cả QĐ xử phạt "tại chỗ") trên tay thì bạn có thể xuất trình khi bị kiểm tra thay cho GPLX (đã bị tạm giữ) trừ trường hợp trong QĐ xử phạt có hình thức xử phạt bổ sung là "tước GPLX" và vẫn đang trong thời hạn bị tước GPLX.

Bài viết dựa trên cơ sở Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 81/2013/NĐ-CP; Thông tư 153/2013/TT-BTC; Thông tư 45/2014/TT-BCA; Thông tư 05/2014/TT-BGTVT...

Lưu ý về mức tiền phạt:

Để biết mức phạt, các bạn có thể xem thêm tại đây
Để tra cứu mức phạt "chuẩn", các bạn chịu khó nghiên cứu Nghị định 46/2016/NĐ-CP

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính:
Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thìmức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

Ví dụ bạn bị lỗi "không đội mũ bảo hiểm", trong NĐ 171 quy định mức phạt là từ 100K đến 200K, như vậy nếu có tình tiết tăng nặng (tái phạm, lăng mạ CA, che giấu hành vi...) thì mức phạt là 200K; nếu có tình tiết giảm nhẹ (thành khẩn, tự nguyện khai báo; có hành vi giảm bớt hậu quả...) thì mức phạt là 100K. Còn thông thường thì sẽ lấy mức trung bình cộng là 150K. Do đó nếu bị "dọa" hay "ép" vào mức phạt cao nhất thì bạn cần nêu ý kiến, thể hiện rõ vào biên bản.

Mong nhận được sự góp ý của các bạn để bài viết được hoàn thiện hơn.

Theo Fb: Mr. Đốp/Luật Giao Thông Và Các Chế Tài Xử Phạt Vi Phạm Giao thông