Thứ Tư

‘Nước mắm… axit’ đang làm biến dạng trí thông minh?

Trong cơn lo lắng chưa kịp nguôi vì những loại nước mắm công nghiệp toàn “hóa chất pha vị mắm” đang hoành hành khắp thị trường, thì một thông tin gây sốc khác lại xuất hiện: Nước mắm ‘xịn’ cũng… độc!

‘Nước mắm… axit’ đang làm biến dạng trí thông minh?
Trước khi nói về nước mắm, hãy nói về câu chuyện “đánh tráo khái niệm”. Đây là một thủ thuật thường được giới luật sư sử dụng thành thạo trong việc biện hộ cho thân chủ của mình.

Một ví dụ đơn giản của “đánh tráo khái niệm” có thể dẫn ra như thế này: Vợ tôi là một phụ nữ xinh đẹp, hoa hậu thế giới cũng là một phụ nữ xinh đẹp. Vậy hoa hậu thế giới chính là… vợ tôi.

Nghe tưởng là hài hước, nhưng thực tế, có nhiều kiểu đánh tráo khái niệm rất tinh vi mà đa số mọi người không nhận ra. Và như thế, những người chủ đích đánh tráo khái niệm đã thành công trong việc thuyết phục người khác tin theo “chân lý” của mình mà che giấu đi sự thật đằng sau.
Vậy đánh tráo khái niệm có liên quan gì tới… nước mắm?

Có chứ. Vì nếu không có chuyện đánh tráo ấy, làm sao người ta có thể biến một thứ hỗn hợp toàn hóa chất có giá siêu rẻ trở thành món nước chấm phổ biến vốn được coi như “quốc hồn quốc túy” trong mỗi gia đình người Việt?

Không chỉ nước chấm toàn hóa chất pha vị mắm dùng chiêu thức đánh tráo khái niệm trong quảng bá để lừa gạt người tiêu dùng, còn nhiều sản phẩm khác cũng lạm dụng thủ thuật tương tự, nhưng có lẽ đó sẽ là điều được bàn luận kỹ hơn trong một bài viết khác.

Trong khi người người nhà nhà đang giật mình nhận ra cái chai "hóa chất tổng hợp pha vị mắm" đó đang hiện diện trong ngăn bếp nhà mình, thì bất ngờ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam lại thông báo kết quả kiểm nghiệm "nước mắm thật" trên thị trường hiện nay có hàm lượng thạch tín (asen) cao hơn mức cho phép.
Theo kết quả này thì nước mắm thật có hàm lượng đạm càng cao, thạch tín... càng nhiều.

Vậy là người tiêu dùng lại hoang mang. Chỉ có mỗi thứ nước chấm quen thuộc mà sao lắm vấn đề thế? Đang tưởng như từ bỏ hóa chất để tìm về nước mắm truyền thống, thì nay, kết quả vừa công bố lại khiến mọi người phải nghĩ lại. Chẳng thà ăn hóa chất còn hơn ăn "thuốc độc" hay sao? Hoặc là thông minh hơn chút, người tiêu dùng lại đi lựa chọn loại nước mắm thật mà... độ đạm thấp!

Quả thật, có trong mơ chúng ta cũng không nghĩ tới những điều méo mó như vậy trong sự lựa chọn cho cuộc sống hằng ngày.

NHƯNG...

Nếu để ý kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy hàm lượng thạch tín (asen) được công bố là asen hữu cơ, với mức độ nguy hiểm thấp hơn nhiều so với asen vô cơ. Ý kiến từ những chuyên gia trong ngành cũng cho rằng loại asen này trong nước mắm truyền thống khó có khả năng gây hại cho cơ thể con người.

Đến đây, một người tiêu dùng thông minh sẽ đặt câu hỏi ngược lại: Tại sao trong rất nhiều vụ việc cần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) không... tích cực như hiện nay? Và vì sao họ lại công bố thông tin "dìm hàng" nước mắm truyền thống ngay sau khi nước mắm công nghiệp toàn hóa chất đang bị phanh phui và đứng trước nguy cơ bị tẩy chay mạnh mẽ?

Rất nhiều băn khoăn và câu hỏi cần có sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm quyết liệt, minh bạch và khách quan của cơ quan chức năng, thay vì chúng ta cứ phải nghe những luồng thông tin trái chiều qua lại. Không biết chừng vào bữa cơm hằng ngày, người tiêu dùng thông minh không biết chọn loại nước gì để chấm, có khi phải lấy nước sôi pha muối dùng tạm?

Nếu không có sự vào cuộc nhanh chóng, rất có thể nước mắm sẽ bị biến thành một loại "axit" vô hình, làm biến dạng trí thông minh của người tiêu dùng chúng ta!

Trung Hiếu

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Theo Người Đưa Tin