Thứ Sáu

Nhà khoa học cố tình nói sai sự thật để bán hàng: Sự phi đạo đức có thể đầu độc cả một thế hệ!

Tại Mỹ, ngành công nghiệp đường đã âm thầm "mua chuộc" các nhà khoa học Harvard suốt hàng chục năm qua để lừa dối cả nhân loại...

Tháng 9 vừa qua, cả thế giới đã phải chấn động khi tạp chí uy tín JAMA Internal Medicine công bố bài báo: Ngành công nghiệp đường của Mỹ đã mua chuộc khoa học, bằng cách "mượn tay" các nhà nghiên cứu tại Harvard từ nhiều thập kỷ trước.

Nhà khoa học cố tình nói sai sự thật để bán hàng: Sự phi đạo đức có thể đầu độc cả một thế hệ!
Đáng kinh ngạc hơn, một trong số các nhà nghiên cứu "tay đã nhúng chàm" sau này lại trở thành lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nơi mà người ta hoàn toàn có quyền định hướng chế độ ăn uống của toàn dân Mỹ.

Trong đó, JAMA Internal Medicine chỉ ra rằng, trong suốt 5 thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu và tài liệu nhân danh khoa học đã bị công bố một cách lệch lạc, nhằm thao túng vấn đề sức khỏe của người dân - liên quan đến đồ ngọt và ngành công nghiệp khổng lồ phía sau đó.

Để làm được điều này, người ta đã dựng lên một "hình nhân thế mạng" cho tác hại của đường, chính là việc đổ lỗi cho chất béo.

Kết quả là người dân Mỹ đổ xô theo chế độ ăn: ít chất béo, nhiều đường, dẫn tới hệ lụy bệnh béo phì và tim mạch tăng cao. Đổi lại, ngành công nghiệp đường đã ăn nên làm ra, và ít khi bị giới khoa học "sờ gáy" cho tới ngày hôm nay.

Mua chuộc khoa học để che mắt cả thế giới

Dựa vào các tài liệu được công bố, có 3 nhà nghiên cứu dinh dưỡng liên quan tới vụ bê bối này. Chịu trách nhiệm chính là Frederick John Stare, giáo sư dinh dưỡng, người sáng lập và đứng đầu Khoa Dinh dưỡng Đại học Harvard, từ năm 1942 đến năm 1976.

Trong đó, giáo sư Stare là người có mối quan hệ mật thiết với "Hiệp hội đường Hoa Kỳ" (SRF) do John Hickson đứng đầu. Và để thực hiện cú lừa ngoạn mục, ông này đã lôi kéo thêm 2 nhà nghiên cứu khác là D. Mark Hegsted và Robert McGandy.

Tới năm 1965, một chiến dịch nghiên cứu mang tên "Dự án 226" đã ra đời, dưới sự tài trợ của SRF, do 3 nhà nghiên cứu trên đồng thực hiện. Nội dung của cuộc nghiên cứu này là giảm bớt sự ảnh hưởng của đường tới bệnh tim, đồng thời, đổ lỗi cho chất béo bão hòa.

Đổi lại, 3 nhà khoa học nhận được 6.500 USD từ Giám đốc Hiệp hội đường Hoa Kỳ - John Hickson (nếu tính theo tỷ giá hiện tại, khoản tiền trên tương đương 50.000 USD). Tất nhiên, Hickson sau đó cũng liên tục nhắc nhở họ về những lợi ích có thể nhận được.

Tính cho tới thời điểm tạp chí uy tín JAMA Internal Medicine công bố vụ bê bối, có tổng cộng 340 tài liệu bị làm sai lệch. Hệ quả là người Mỹ đã tiêu thụ nhiều đường hơn 30% so với 3 thập kỷ trước.

Không chỉ vung tiền cho "Dự án 226", Hiệp hội nghiên cứu đường" (SRF) thậm chí còn tài trợ cho rất nhiều dự án khác. Và phải tới năm 1980, các nhà khoa học mới bắt đầu tập trung nghiên cứu vai trò của đường với bệnh tim, nhưng đã quá muộn.

Sự phi đạo đức có thể đầu độc cả một thế hệ

Khi đã thành công trong việc mua chuộc các nhà nghiên cứu, ngành công nghiệp đường bắt đầu phát triển mạnh. Các loại thực phẩm chỉ việc thay thế chất béo bằng đường, và đó chính xác là những gì mà họ muốn.

Hệ quả là lượng đường được tiêu thụ bình quân hàng ngày tại Mỹ đã tăng hơn 30% so với 3 thập kỷ trước. Trẻ em Mỹ ăn đường phụ gia nhiều gấp 3 lần mức chúng thực sự cần. Hiện tượng béo phì và tim mạch tăng cao.

Trong khi đó, cả 3 nhân vật tham gia vào vụ bê bối đều đã qua đời, nên sẽ không ai phải chịu trách nhiệm. Về phía Hiệp hội Đường Hoa Kỳ, người đứng đầu SRF đã thừa nhận họ cần phải minh bạch hơn trong các nghiên cứu, sau khi bài báo vạch trần sự thật được công bố.

Từ đây, nhiều trường phái dinh dưỡng cũng đang dần dịch chuyển mối lo ngại sang đường. Mặt khác, vụ bê bối cũng cho thấy: những nghiên cứu "mua chuộc" được tài trợ bởi doanh nghiệp là vấn đề rất đáng lo ngại đối với sức khỏe người dân nói chung.

Huyền My/ Trí Thức Trẻ