Thứ Ba

Like hay chia sẻ cũng chính là cách giúp đỡ!

"Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống", câu nói ấy đã trở thành khẩu hiệu sống (slogan) mới của rất nhiều người, khi một người phụ nữ 60 tuổi tham dự chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt" đã dùng nó để trả lời lại sự an ủi từ nghệ sỹ Trấn Thành khi ban giám khảo và khán giả được nghe những chia sẻ về cuộc sống vất vả của hai chị em ở Lâm Đồng, dành sức lực mình làm công quả chăm sóc, chữa bệnh miễn phí cho những trẻ em khuyết tật.

 Like hay chia sẻ cũng chính là cách giúp đỡ!
Người phụ nữ ấy tham dự cuộc thi chẳng mưu cầu gì, chỉ mong nếu được cái giải nho nhỏ thì xây bể chứa nước mưa cho nơi ở cũng là nơi hai chị em bà nuôi nấng, chữa bệnh cho những bệnh nhân nghèo. Nơi ở ấy, trên một ngọn đồi cao, không điện, không nước. Đó là một hoàn cảnh sống tối thiểu nhất, hoàn cảnh mà bất kỳ ai cũng sẽ phải dùng từ "hộ nghèo". Vậy mà trên gương mặt khắc khổ nhưng không tỏ ra quá nhọc nhằn kia lại là một nụ cười bình thản với câu nói: "Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống".

Bằng Kiều đã rất tuyệt vời, khi anh nói luôn, "cô cho con tặng cô cái bể chứa nước mưa nhé". Trấn Thành cũng tuyệt vời không kém, khi anh tặng người phụ nữ đó 5 triệu đồng. Câu chuyện đẹp cuối năm đã làm cho giải trí Việt có được một điểm sáng xoá nhòa hết những scandal, những mưu toan và tính toán và thiếu bao dung giữa nghệ sỹ với nhau, những thứ khiến nhiều khi chúng ta phải lắc đầu về thế giới showbiz đầy xô bồ ấy.

Và câu chuyện đó cũng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, cùng những cầu chúc cho hai người phụ nữ cũng như cùng những thái độ lạc quan, với tiêu chí "cứ bình tĩnh sống". Xã hội rất cần những động lực như thế, bởi bi quan là bệnh lây và khi bi quan, người ta sẽ khó có thể làm được những gì thành tựu.

Cũng có nhiều người lên tiếng rằng "hãy giúp đỡ hai người phụ nữ ấy bằng hành động thiết thực chứ đừng chỉ có like hay chia sẻ hay bình luận gì đó". Ý kiến kiểu này phát xuất từ câu chuyện mà UNICEF từng đưa ra trước đây rằng "bấm like không cứu được mạng người".

Thực chất, UNICEF đưa vấn đề ra sâu sắc hơn ở mức độ nhiều người vẫn hiểu. UNICEF muốn mọi người cùng hành động nếu mình có thể chứ đừng chỉ tỏ ra cảm thông online bằng like hay chia sẻ đơn thuần. Song, đâu phải ai cũng có điều kiện để giúp đỡ thiết thực bằng hành động, bằng vật chất đâu. Vậy thì khi họ không thể giúp đỡ được vì hoàn cảnh của họ cũng khó khăn, like hay chia sẻ cũng chính là cách giúp đỡ. Nhờ vào những chia sẻ ấy, sẽ nhiều người biết đến câu chuyện hơn, và biết đâu, trong số những người sẽ biết, sẽ có người giúp đỡ tận tình.

Bởi thế mới đề cao Bằng Kiều và Trấn Thành. Họ hỗ trợ ngay lập tức, không ngại ngần. Hành động của họ chắc chắn sẽ dẫn dắt những người hâm mộ họ hành động theo, nếu họ có điều kiện. Còn nhược bằng không, nếu cũng vất vả, khó khăn và nhiều trở trăn, họ sẽ lạc quan để hiểu "không sao đâu, cứ bình tĩnh mà sống".

Cuối năm Ất Mùi, một sự kiện văn nghệ khác cũng khiến nhiều người quan tâm, là sự kiện chương trình "Bài Hát Việt" sẽ dừng lại sau 11 năm hoạt động. Nhiều người tiếc, cho rằng mất một sân chơi động lực cho các tác giả sáng tác. Nhưng có lẽ, họ nên nghĩ về câu nói của người phụ nữ 60 tuổi kia thì hơn. Không có "Bài Hát Việt" nữa ư? Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống, bình tĩnh mà sáng tạo. Chúng ta còn có điều kiện, tại sao chúng ta lại phải than thở đầy bi quan. Sáng tạo đâu cứ phải có sân chơi mới thực hiện được.

Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống. Hãy giúp đỡ nếu bạn có thể; hãy chia sẻ nếu bạn chỉ có mỗi sự sẻ chia chứ không còn điều kiện nào khác để tham gia. Và hãy lạc quan, đó là điều quan trọng nhất, lạc quan như chúng ta cùng nghĩ, hai chị em người phụ nữ ở Lâm Đồng sẽ không chỉ có cái bể chứa nước mưa, mà sẽ có điện, và có thêm nhiều điều kiện khác để chốn thiện nguyện của họ còn hoạt động hiệu qủa hơn nữa trong tương lai.

*Một bài viết đã cũ nhưng đủ để nói lên cái tình trên dân mạng...

Văn Đoàn/ Công An Nhân Dân