Thứ Tư

Chuyện để nợ cho con cháu và cái 'lắc đầu ngàn tỉ' của dân

Chuyện để nợ cho con cháu và cái “lắc đâu ngàn tỉ” sau đây mới đầu tưởng chừng chẳng có mối liên hệ gì nhưng về sâu xa, nó lại là hệ quả tất yếu, tác động mạnh mẽ đến nhau trong nền kinh tế.

Trước hết, hãy nói về chuyện “để nợ cho con cháu”.

Theo Vietnam Net, bài "Phó Thủ tướng: Chi tiêu không để nợ cho đời sau" ngày 22/10, trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một chuyên gia kinh tế hàng đầu đã khẳng định quan điểm kiên quyết “không để nợ cho đời sau”.
Chuyện để nợ cho con cháu và cái 'lắc đầu ngàn tỉ' của dân
“Chúng ta cố gắng tăng thu để tăng chi, chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế chứ không để lại nghĩa vụ trả nợ cho đời sau. Vay nợ là phải trong khả năng trả nợ, dứt khoát không nới “trần” nợ công” – Ông Huệ nói.

Trả lời những băn khoăn của cử tri về việc chúng ta đặt trần nợ công thấp trong khi nhiều nước giàu có nhưng nợ công nhiều khi lên đến 100%, thậm chí 200%, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: “Nhà đang nghèo, đất nước đang khó khăn chưa có của ăn, của để nên phải đi vay để phát triển. Nhiều người cũng nói rằng tại sao các nước phát triển nợ công hơn 100%, thậm chí 200% như Nhật Bản mà mình lại cứ chốt 65%. Cái này Chính phủ đã tính toán kỹ. Đúng là đặt ra trần nợ công là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Khả năng trả nợ mới là quan trọng”.

Đây là quan điểm rất đúng đắn mà cha ông ta gọi là “liệu cơm, gắp mắm” hay “liệu bò, đo chuồng”.

Ở những nước kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ… việc họ vay là để phát triển kinh tế, làm giàu. Nó giống như người giàu thường nợ hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng nhưng họ vay không phải để ăn, để tiêu mà là để kinh doanh sinh lời, sinh lãi. Nó không và tuyệt nhiên không giống với anh kinh tế khó khăn, vay về để ăn tiêu và… trả nợ.

Tuy nhiên, có thể sẽ có ý kiến cho rằng nếu chúng ta không mạnh dạn, không “liều” thì kinh tế khó mà đột phá.

Đây là điều không mới bởi không có tiền thì… không làm được gì. Tuy nhiên, để giải “bài toán tiền” này, có lẽ cũng nên chú ý đến gợi ý của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi ông nói: “Doanh nghiệp thành lập nhiều lên thì đầu tư vào nhiều hơn, môi trường kinh doanh tốt hơn, người dân sẽ sẵn sàng bỏ vốn ra để đầu tư kinh doanh”.

Thực ra thì tiền không phải là thiếu mà vì chưa có được môi trường tốt để chúng “tụ” về. Một khi môi trường đầu tư tốt, nguồn tiền trong nước và nước ngoài sẽ dồn về thôi. Còn nếu như môi trường mà “Trên thảm, dưới đinh”, “Chim chưa đậu đã… nhậu mất chim” thì tất nhiên là ngược lại.

Tóm lại, quan trọng, thậm chí là quyết định vẫn thuộc về cơ chế và nhà quản lý trực tiếp.

Giờ thì bàn đến “cú lắc đầu ngàn tỉ”.

Cách đây ít lâu, trên BLOG Dân trí, Nhà báo Mạnh Quân đã viết về một chuyện rất hay trong bài báo có tên là “Một quyết định "đạp đổ nồi cơm" của những ai lợi dụng chính sách”. Chả là ngày 30/10/2015, Bộ trưởng Công thương (thời ông Hoàng làm Bộ trưởng) đã ban hành Thông tư 37/TT-BCT về việc định mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.

Tại thời điểm đó, thông tư này đã bị các doanh nghiệp phản ứng dữ dội. Hầu như trong các hội thảo, tọa đàm về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp đều khó chịu cao độ, thậm chí là cả sự… giận dữ. Lý do là bởi nó có những quy định vô lý đến nỗi nếu nhập dù chỉ một mét vải hay một cái khuy quần, nơ áo... về làm mẫu cũng bị kiểm tra chuyên ngành với chi phí 1,5-2,5 triệu đồng, một kiện hàng nhỏ sẽ mất khoảng 8 triệu đồng... và ít nhất 3 ngày chờ đợi.

Riêng Hiệp hội Dệt may, ước tính đã làm tăng chi phí bất hợp lý khối doanh nghiệp ngành may mặc hàng ngàn tỷ đồng.Tiền đó đi đâu, có vào tay ai hay không thì…?!

Thế nên việc bãi bỏ Thông tư 37 được tác giả Mạnh Quân ví đây là quyết định “đạp đổ nồi cơm” của những ai lợi dụng chính sách.

Mới biết, chỉ một cái “gật” của vị Bộ trưởng này, dân mất hàng ngàn tỉ đồng và với cái “lắc” của Bộ trưởng kia, dân lời ngàn tỉ bạc.

Chưa bàn đến tham nhũng, lãng phí, chỉ riêng việc “lắc” hay “gật” như thế này thôi, đã làm lợi (hoặc hại) không biết bao nhiêu tiền của.

Cho nên, muốn không để lại món nợ cho con cháu mà vẫn phát triển kinh tế, cần lắm những cái “gật” hay “lắc” vì nước, vì dân chứ không “vì quan”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám/ Dân Trí