Thứ Tư

12 mưu kế nổi tiếng nhất thời đại Gia Cát Lượng vẫn còn giá trị đến ngày nay

Thời Tam Quốc phân tranh đã chứng kiến sự xuất hiện của các anh hùng cái thế, những vị quân sư lỗi lạc và những mưu kế làm thay đổi cả bánh xe lịch sử. Sau đây là những mưu kế nổi bật nhất được đời đời truyền tụng như những giai thoại có một không hai trong sử sách.

Vương Tư Đồ khéo dùng "Liên hoàn kế" diệt Đổng Trác

Vào thời Hán mạt, liên minh Đổng Trác – Lữ Bố nổi lên như một khối u, làm suy kiệt nhà Hán. Vốn bản tính tham tàn, Đổng Trác đã gây ra biết bao tội ác trời đất không dung như: giết vua Thiếu Đế, giết Hà Hậu và Đường Phi, sát hại dã man bá quan văn võ, lạm sát thường dân vô tội.
Gian thần Đổng Trác, đại hoạ thời Hán mạt. Ảnh: Hình tượng Đổng Trác trên điện ảnh (phim Tam Quốc diễn nghĩa 1996).
Đổng Trác quy tụ quanh mình nhiều kẻ bất lương, tàn bạo: con rể Lý Nho đa mưu túc trí, nổi tiếng thâm hiểm, con nuôi Lã Bố kiêu dũng, thiện chiến. Cũng vì thế mà Đổng Trác ngày càng lạm quyền, khinh thường bá quan văn võ và chính cả vua nhà Hán, âm mưu thoán nghịch. Trong tình cảnh ấy, quan tư đồ Vương Doãn, vốn là một cựu thần Hán thất, cảm thấy vô cùng bất bình nhưng cũng giống như nhiều đồng liêu khác, ông cũng hoàn toàn bất lực.

Vương Doãn có một người con gái nuôi tên là Điêu Thuyền, nhan sắc tuyệt trần, chim sa cá lặn. Lã Bố và cả Đổng Trác vốn cực kỳ háo sắc. Vương tư đồ mới nảy ra ý định lập kế liên hoàn để trừ bỏ liên minh Đổng Trác – Lã Bố. Kế liên hoàn của Vương Doãn bao gồm rất nhiều mưu kế kết hợp với nhau: kế mỹ nhân, kế ly giá, kế "dụ rắn khỏi hang", khổ nhục kế...

Vương Doãn nói với con gái: "Cha tin lòng con, nhưng ngại con không thực hành được. Nguyên cha con thằng Đổng Trác là phường háo sắc, bây giờ cha muốn dùng "liên hoàn kế", trước đem con hứa tiếng gả cho Bố rồi sau lại hiến cho Trác. Con ở giữa tùy cơ ứng biến làm cho cha con nó trở lại giết hại nhau. Nếu mà làm được như vậy là con liều thân giúp nước, công nghiệp vô cùng to lớn".

Nghe lời cha, Điêu Thuyền đã dùng "khổ nhục kế", chịu muôn vàn đắng cay cuối cùng cũng đã chia rẽ thành công được liên minh này, khiến Lã Bố trở mặt giết cha nuôi, giải phóng triều đại nhà Hán khỏi mối nguy trăm bề này. Vương Doãn tru di 3 họ nhà Đổng Trác và bổ nhiệm Lã Bố làm Phấn vũ tướng quân, phong làm Ôn hầu.

Nghe lời cha, Điêu Thuyền đã dùng "khổ nhục kế", chịu muôn vàn đắng cay cuối cùng cũng đã chia rẽ thành công được liên minh này
Tư đồ Vương Doãn giống như đạo diễn, còn Điêu Thuyền giống như diễn viên vậy, đạo diễn giỏi, diễn viên xuất chúng mới có thể tạo nên kỳ tích mà 18 lộ chư hầu với mấy chục vạn quân binh cũng không thể làm nổi.

Khổng Minh dùng "Không thành kế" đuổi 15 vạn hùng binh Tư Mã Ý

Nhắc đến Khổng Minh, quả thật khó mà kể hết được những mưu kế "quỷ khốc thần sầu" của ông từng khiến biết bao anh hùng thời Tam Quốc phải nghiêng mình nể phục vì tài thao lược phi thường của ông. Mưu kế nổi tiếng nhất của ông chính là "Không thành kế" nổi tiếng, chỉ dùng một tiếng đàn mà có thể đẩy lùi 15 vạn quân binh nước Nguỵ. Đây quả đúng là tiếng đàn vô tiền khoáng hậu.
Vừa mất Nhai Đình, giờ lại còn nghe tin Tư Mã Ý đang hoả tốc kéo đại quân đến đây, lòng Gia Cát Lượng không khỏi lo lắng.
Sau khi Mã Tốc đề mất Nhai Đình, Gia Cát Lượng chỉ còn có 2500 quân sĩ đóng ở huyện Tây Thành. Bỗng có thám mã phi về báo: "Tư Mã ý mang mười lăm vạn đại quân đang kéo đến Tây thành". Lúc ấy, không có vị đại tướng nào ở bên Gia Cát Lượng, mà chỉ có một tốp quan văn. Nghe tin này, các quan đều tái mặt đi vô cùng lo sợ. Gia Cát Lượng bước lên mặt thành quan sát, quả nhiên xa xa bụi cuốn mịt mờ, quân ngụy đang xông tới Tây Thành. Gia Cát Lượng lập tức truyền lệnh:

"Đem dấu hết cả cờ quạt đi, binh lính ai nấy đều vào giữ lấy chòi gác tuần tiễu của mình trên mặt thành, nếu có kẻ nào tự ý ra vào cổng thành hoặc nói lớn, sẽ bị giết. Mở rộng hết bốn cổng thành ra, ở mỗi cổng thành lấy hai chục người cải trang làm dân thường, quét ở đường phố. Nếu quân Nguỵ đến, không được nhốn nháo, ta khắc có mưu kế để đối phó".

Truyền lệnh xong Gia Cát Lượng khoác đạo bào lông hạc, vấn khăn nhiễu trên đầu, dẫn hai tiểu đồng mang theo một cây đàn, đi lên mặt thành, đốt hương gẩy đàn.
Trời xanh đã giúp Gia Cát Lượng khi Tư Mã Ý cũng là một người tinh thông âm luật, chứ không phải chỉ là kẻ hữu dũng tầm thường
Nghe thám báo về báo lại tình hình, Tư Mã Ý ra lệnh cho quân sĩ lập tức dừng lại, tự phi ngựa lên phía trước nhìn lên, quả nhiên thấy Gia Cát Lượng ở trên mặt thành vẻ mặt tươi cười ngồi tựa lan can, đốt hương gẩy đàn, bên trái có một tiểu đồng, tay bưng một thanh gươm báu, bên phải cũng có một tiểu đồng tay cầm phất trần. Trong ngoài cổng thành chỉ có chừng hai chục người dân thường, cắm cúi quét đường cứ như thể không có ai ở bên mình. Sau khi nhìn thấy thế, Tư Mã ý nghi ngờ rằng trong thành có mai phục, vội vàng ra lệnh lui binh.

Thực ra, trong tiếng đàn của Gia Cát có rất nhiều thâm ý. Quân Ngụy rút chạy rồi, Gia Cát Lượng thốt lên: "Trời xanh cứu ta, Tư Mã Ý thực là hiểu âm luật". Về phần Tư Mã Ý về đến trại, kéo ghế cho Tư Mã Sư ngồi, nghe con nói qua tình hình Tây Thành rồi bảo: "Ta thua Khổng Minh ở số trời, số trời không giúp ta".

Vậy rốt cuộc "trời xanh" đã giúp Gia Cát Lượng điều gì? Và "số trời" đã không giúp Tư Mã Ý điều gì? Cái này chắc chắn là có liên quan đặc biệt đến tiếng đàn mà Gia Cát Lượng đánh. Qua tiếng đàn, bằng âm luật, Gia Cát Lượng đã chuyển đến Tư Mã Ý thông điệp rất rõ ràng: "Nhà Ngụy ba đời liền nghi ngờ, cảnh giác ông. Sở dĩ ông được làm nguyên soái thống lĩnh ba quân là bởi tôi cầm binh nước Thục công phá Ngụy Quốc. Tôi chết rồi, mối lo về Thục quân không còn, Ngụy Đế tất sẽ khiến ông không toàn mạng sống. Xưa nay thỏ khôn chết thì chó săn bị nấu, chim bay cao chết thì cung mạnh bị cho vào bếp, đó là lẽ thường".

Đây là cảnh giới tư tưởng mà chỉ hai nhà dụng binh xuất chúng mới có thể hiểu, người thường không đạt đến cái cảnh giới này được, nên bề ngoài chỉ nhìn thấy "kết quả" của "hiện thực giả", còn nguyên nhân sâu xa thì chỉ có 2 người đó hiểu được mà thôi. Đây cũng là một trong những điều bí ẩn nhất trong các kế sách của Gia Cát Lượng về nghệ thuật dụng binh thần sầu của mình. Đúng là một cặp tri kỷ, nhờ đối trận mà tìm thấy nhau, tuy nhiên vai diễn lịch sử lại không cho họ trở thành bằng hữu tâm giao dưới ánh trăng, cùng ngồi kể chuyện Tam Quốc và phân định thiên hạ trên bàn cờ.

"Khổ nhục kế" của Chu Du và Hoàng Cái, đốt sạch quân Tào

"Hỏa thiêu Xích Bích" được đánh giá là chiến thắng kinh điển của Đại đô đốc Đông Ngô Chu Du, ngoài những mưu kế của chính mình và Gia Cát Lượng, không thể không kể đến một nhân vật đã làm nên huyền thoại này – đại tướng Hoàng Cái.
Hoàng Cái, một đại tướng quân của Đông Ngô, một lão tướng vào sinh ra tử từ thời Tôn Kiên sáng lập nên triều đại này.
Năm 208, Tào Tháo khởi đại quân xuống miền nam. Sau khi đánh chiếm Kinh châu, Tào Tháo tiến sang Giang Đông. Do bệnh dịch lây lan và quân phương bắc không quen đánh thủy, Tào Tháo khóa chiến thuyền lại với nhau để chờ sang đầu năm sau sẽ tấn công. Hoàng Cái thấy vậy bèn hiến kế với Đô đốc Chu Du: "Địch đông ta ít, nếu cầm cự lâu dài thì ta bất lợi. Tào Tháo cột chặt thuyền lại với nhau, rất tiện cho việc dùng hỏa công, tốc chiến tốc thắng".

Chu Du nghe theo. Hoàng Cái làm theo kế, ấy là kế khổ nhục. Một hôm, biết Sái Trung, Sái Hòa sang Đông Ngô trá hàng, Chu Du và Hoàng Cái cố ý giả vờ cãi nhau. Khi Hoàng Cái nói phải quét sạch quân Tào trong 1 tháng, nếu không thì hãy cởi giáp quy hàng, Chu Du đã nổi giận mắng Hoàng Cái là kẻ phản phúc.

Du ra lệnh chém. Lão tướng Hoàng Cái không phục, mắng chửi Chu Du không tiếc lời. Đoạn bị đao phủ lập tức lôi ra ngoài. Lỗ Túc chạy tới xin Du tha mạng lão tướng với lý do chém đại tướng sẽ làm lòng quân lay động.Tất cả tướng sĩ cũng lập tức quỳ rạp xuống xin Du tha chết Hoàng Cái. Chu Du vẫn tức giận sôi người, sai quân lính đánh Hoàng Cái 100 gậy.
Nếu không có ý chí kiên cường, không phải vì an nguy của cả một đất nước, thì làm sao mà một lão tướng như thế này có thể chịu được nỗi đau ghê ghớm từ tâm hồn tới thể xác như vậy!
Hoàng Cái bị lôi ra đánh, trông vô cùng thương tâm, Du trong lòng đau như cắt khi nghe tiếng Hoàng Cái khóc nấc lên, máu văng ngay trước mặt 2 tên gián điệp họ Sái. Các tướng phía dưới chứng kiến cảnh này, ai nấy đều khóc như mưa. Đến khi Hoàng Cái bị đánh ngất, các tướng lao ra xin Du dừng tay, Du mới chịu tha cho ông.
Hoàng Cái giả cách oán hận Chu Du, nhờ Hám Trạch sang đưa thư trá hàng cho Tào Tháo. Được Sái Trung, Sái Hòa về mật báo tin Hoàng Cái bị đánh, cộng với tài ăn nói của Hám Trạch, Tào Tháo hoàn toàn tin việc Hoàng Cái sang hàng là thật. Tào Tháo ước hẹn với Hám Trạch và sẵn sàng đợi ngày Hoàng Cái sang hàng. Không ngờ đó cũng chính là ngày mà toàn bộ 83 vạn Tào quân bị đốt thành tro.

Theo đúng ngày giờ đã định, Hoàng Cái chuẩn bị một đội thuyền cơ động, chừng 10 chiếc, bên trong chứa đầy mồi lửa, đồ dễ cháy nhằm thẳng hướng thủy trại quân Tào bơi đến. Khi thuyền đến giữa sông, Hoàng Cái ra lệnh châm lửa đốt thuyền. Gió Đông Nam nổi lên, hỏa thuyền cháy bừng bừng, thuận theo gió lao vun vút vào thủy trại quân Tào.

Các chiến thuyền của Tào Tháo vốn bị xích chặt vào nhau, mau chóng bắt lửa. Gió càng to, lửa càng đượm, nuốt chửng toàn bộ thủy trại kiên cố tưởng bất khả xâm phạm của quân Tào. Quân Tào phần bị lửa thiêu, phần nhảy xuống sông chết đuối, bi đát không sao kể xiết.
Để thực hiện được đại kế, Hoàng Cái đã phải chịu khổ một phen xiết bao đau đớn. Tuổi già sức yếu, phải chịu 100 trượng và mang tiếng nhục trước ba quân, bị đánh đến gần chết nhưng lão tướng quân vẫn một lòng vì nước, nghiến răng chịu đau vì việc lớn. Đây quả là một tấm lòng son sắt trung liệt hiếm có lưu danh sử sách, thật đáng được khen ngợi lắm thay!

Theo Dân Việt