Thứ Ba

Scandal lễ tân che mờ cuộc gặp lãnh đạo Mỹ - Trung

Một dòng tweet mang nội dung châm biếm nhằm vào Trung Quốc đăng trên tài khoản Twitter của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) đã làm dấy lên những tranh cãi xung quanh vấn đề nghi thức ngoại giao tại hội nghị thượng đỉnh G-20 đang diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc.

Có thời điểm, căng thẳng gia tăng đến mức, tưởng như quan chức hai bên có thể “động tay chân”...
Theo hãng tin BBC, dòng tweet viết: “Classy as always China” (tạm dịch: “Trung Quốc lúc nào cũng đẳng cấp như thế”). Sau khi được đăng lên, dòng tweet đã nhanh chóng bị xóa.

Trước đó, vào hôm 3/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Hàng Châu (Trung Quốc) để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ phê chuẩn hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trước thềm hội nghị G20 (20 nền kinh tế lớn nhất thế giới).

Tại sân bay quốc tế Hàng Châu, vào lúc ông Obama đáp xuống, một số nhà báo và quan chức Mỹ đã tìm cách vượt qua hàng rào, nhưng một quan chức Trung Quốc đã lớn tiếng ngăn lại: “Đây là đất nước của chúng tôi!”. Và tranh cãi đã xảy ra.

Sau khi xảy ra những sự cố này, ông Obama kêu gọi các nhà báo “không đặt nặng vấn đề”.

Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal, người điều hành trang Twitter của DIA - một đơn vị tình báo thuộc Lầu Năm Góc - có vẻ như đã khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn.

Theo tờ báo này, dòng tweet “Trung Quốc lúc nào cũng đẳng cấp như thế” đã được link (kết nối) với một bài báo của tờ New York Times về việc Trung Quốc không trải thảm đỏ đón ông Obama.

Có vẻ như không muốn mọi chuyện bị đẩy đi quá xa, DIA đã lên tiếng xin lỗi. Cơ quan này viết trên Twitter rằng dòng tweet kia “không đại diện cho quan điểm của DIA, chúng tôi xin lỗi”.

Trước đó, ông Obama nhấn mạnh rằng những tranh cãi này không có ảnh hưởng gì đến mối quan hệ Mỹ-Trung. Ông nói một phần lý do dẫn đến căng thẳng là Mỹ có quan điểm đối với báo giới khác biệt so với các quốc gia khác.

“Chúng tôi cho rằng điều quan trọng là báo giới được tiếp cận với công việc mà họ đang làm, và họ được đặt câu hỏi. Chúng tôi không bỏ lại phía sau những giá trị và lý tưởng của mình khi chúng tôi ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, điều đó có thể dẫn tới một số xích mích”, ông Obama nói.

Các nhà báo Mỹ đến hội nghị thượng đỉnh G20 cùng với ông Obama từ Hawai nói các nhân viên an ninh Trung Quốc ngăn không cho họ chứng kiến việc ông Obama bước ra khỏi máy bay - một việc vốn chỉ có ở những chuyến đi có mức độ bảo vệ an ninh cao như tới Afghanistan - chỉ vì không có thảm đỏ được trải để đón ông.

“Chúng tôi đột ngột bị ngăn lại bởi một hàng rào màu xanh. Trong 6 năm đưa tin về Nhà Trắng, tôi chưa từng thấy một nước chủ nhà nào ngăn không cho báo giới chứng kiến cảnh ông Obama ra khỏi máy bay”, nhà báo Mark Landler của New York Times viết.

Khi một nhân viên Nhà Trắng phản đối với một quan chức an ninh Trung Quốc, nói rằng đây là một sự vi phạm nguyên tắc ngoại giao, vị quan chức Trung Quốc được cho là đã lớn tiếng đáp: “Đây là đất nước của chúng tôi”.

Theo New York Times, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice, một trong những phụ tá cấp cao nhất của ông Obama, đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình về vấn đề này với các quan chức Trung Quốc.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 4/9 đưa tin một quan chức Trung Quốc nói rằng nước này trải thảm đỏ đón tất cả các nguyên thủ quốc gia, “nhưng phía Mỹ từ chối đề xuất này, và khăng khăng nói họ không cần cầu thang máy bay do sân bay cung cấp”.

Căng thẳng không dừng ở đó, mà lại tiếp tục xảy ra giữa hai bên tại nhà khách Tây Hồ, nơi ông Obama gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Các trợ lý Nhà Trắng, quan chức lễ tân và Mật vụ Mỹ tranh cãi với phía Trung Quốc về việc bao nhiêu người Mỹ được vào trong tòa nhà trước khi ông Obama tới. Có thời điểm, căng thẳng gia tăng đến mức, tưởng như quan chức hai bên có thể “động tay chân”.

Obama nhận xét rằng đây không phải là lần đầu tiên xảy ra căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề an ninh và báo chí trong các chuyến công du của ông. “Nhưng lần này, sự khác biệt có lớn hơn một chút so với bình thường”, ông nói.

Theo Vneconomy