Thứ Sáu

'Phản đối học sinh bê bàn ghế là tạo nên thế hệ lồng kính'

TS Vũ Thu Hương cho rằng, việc phản đối học sinh tiểu học bê bàn ghế xuống cầu thang là cách tạo nên một thế hệ lồng kính. Một số phụ huynh ngày nay quá chiều con.

Mới đây, một phụ huynh có tài khoản Facebook Nguyễn Duyên chia sẻ video nhiều nhóm học sinh lớp 4 cùng khiêng bàn xuống cầu thang tại Trường tiểu học Phước Đồng, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa để chuẩn bị cho năm học mới.

Tranh cãi việc học sinh khiêng bàn

Phụ huynh Nguyễn Duyên viết trên mạng xã hội: “Tâm lý của các bậc làm cha mẹ, ai cũng muốn ngày đầu tiên con trẻ đến trường, áo trắng quần xanh được ủi ép, sạch sẽ tươm tất, hy vọng con được giao tiếp trong môi trường sạch sẽ. Đó là điều mong ước của phụ huynh, vậy nhưng mong ước hoàn toàn trái ngược".
Học sinh lớp 4 khiêng bàn xuống cầu thang.
Sau đó, hiệu trưởng của trường tiểu học Phước Đồng gửi thư mời chị Nguyễn Duyên đến làm việc với nội dung “giải quyết một số việc có liên quan uy tín của nhà trường”.

Video học sinh lớp 4 khiêng bàn nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Một luồng ý kiến cho rằng, nhà trường bắt trẻ tiểu học khênh bàn xuống cầu thang là quá sức, các em có thể trượt chân và bị ngã. Hơn nữa, việc làm này không mang lại lợi ích giáo dục, vậy tại sao lại bắt trẻ con làm? Phải chăng trường học đang lợi dụng sức lao động của trẻ nhỏ?

Những ý kiến khác nêu, trong clip, hình ảnh bậc cầu thang khá thấp, nhóm 4-5 học sinh bê chung một chiếc bàn là điều các em có thể làm được. Ngoài giáo dục tri thức, ý nghĩa của việc lao động cũng là điều thiết yếu các em cần học.

Độc giả Bình Nguyên chia sẻ: “Cách đây hơn 30 năm, khi là học sinh tiểu học, chúng tôi cùng nhau làm nhiều việc như trực nhật, bê bàn ghế, trồng rừng, nhặt củi, làm ruộng… Tất cả đều rất vui vẻ. Nếu không được giáo viên lựa chọn phân công lao động, thậm chí có bạn còn buồn vì không được chú ý”.

Trong khi đó, tài khoản Nguyễn Hà lại cho rằng: Học sinh tiểu học phải khiêng chiếc bàn gỗ dài xuống cầu thang là quá nguy hiểm. Chỉ cần một em trượt chân ngã, chắc chắn các em còn lại sẽ ngã theo, hậu quả khôn lường là gãy chân, gãy tay, thậm chí chấn thương sọ não.

"Trẻ con bây giờ bố mẹ đùm bọc quá nhiều, dần sẽ mất tuổi thơ và kỹ năng trong cuộc sống”, bạn Lê Bình bộc bạch.

Một thế hệ không thực sự lớn

TS Vũ Thu Hương (khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, việc phản đối trò tiểu học bê bàn xuống cầu thang là "góp phần" tạo nên thế hệ lồng kính sắp ra lò.

Theo TS Hương, nhiều bậc phụ huynh đang ngày càng “búp bê hóa” học sinh bằng cách chiều chuộng. Trẻ khiêng bàn học để phục vụ chính mình. Điều này không làm được thì trẻ em có thể làm được những gì?
Giấy mời của hiệu trưởng gửi cho phụ huynh Nguyễn Duyên
Đi và trải nghiệm nền giáo dục ở nhiều nước, TS Hương chia sẻ, trẻ em Việt Nam không thật sự lớn đúng so với lứa tuổi. Ở nước ngoài, trẻ lớp 3 có thể tự di chuyển từ nhà đến trường, tự đăng ký xin học. Hết cấp 2, trẻ xác định được việc học nghề nghiệp và định hướng cho tương lai. 16 tuổi có thể kiếm tiền như người lớn, đi du lịch nước ngoài một mình và nộp hồ sơ thi đại học.

“Tôi gặp khá nhiều thanh niên Việt Nam không biết rán trứng, pha trà, chế bản word, xem bản đồ.... Với những lao động chủ chốt vụng về đến thế, tương lai sẽ ra sao?” – TS Hương đặt câu hỏi.

Trong khi đó, nhiều trẻ đi học cũng được bố mẹ xách giúp, sợ con vẹo cột sống. Đến khi trẻ đi học, phụ huynh kêu quá tải.

Mặt khác, TS Hương cho rằng, không có bằng chứng cho thấy trẻ Việt Nam học nhiều hơn so với mặt bằng chung của thế giới.

“Trẻ ở Australia 5 tuổi đã học đến số âm. Trẻ nước Đức, Hungary đọc và bình phẩm nhiều tác phẩm văn học, xem hội họa kinh điển, xem hội họa, nghe nhạc thính phòng. Ngoài biết lịch sử nước mình, trẻ nước ngoài còn học lịch sử theo trục thời gian như Hy Lạp, La Mã cổ đại, Nhật Bản, Trung Quốc, các tôn giáo trên thế giới. Trẻ nước ngoài biết tại sao có IS, tại sao có khủng bố ngày 11/9, tại sao dân tị nạn lại tràn vào EU và đi từ đâu đến đâu… Còn nhiều trẻ Việt chỉ chúi đầu vào làm bài tập rồi quên sạch sau vài năm tốt nghiệp. Từ đó, những cái tên như Quang Trung, Nguyễn Du trở thành xa lạ?”, nữ tiến sĩ nói.

Theo Trí Thức Trẻ