Thứ Bảy

Phải chăng đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng?!…

Thêm một lần nữa, dư luận bàng hoàng vì hành vi giết người rất tàn độc xảy ra trong xã hội. 4 mạng người ở Quảng Ninh vừa bị sát hại, trong đó có cả những cháu bé nhỏ, đây là vụ thảm án thứ hai trong vòng chưa đầy 2 tháng qua, khi mà thảm án ở Lào Cai vẫn chưa dứt thì sáng nay trên các mặt báo lại chi chan những tin nóng hổi trên trang nhất của mình về vụ thảm án ghê người ở Quảng Ninh!

Phải chăng đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng?!…
Thật đau lòng khi chỉ trong một đêm, 4 mạng người đã vĩnh viễn dời bỏ cõi đời này, để lại sự đau xót vô hạn cho người ở lại và lòng thương cảm, bàng hoàng của dư luận.

Còn nhớ, cách đây 1 năm vụ án 6 mạng người ở Bình Phước gây dúng động dư luận, mà người cẩm đầu không phải ai khác chính là một tên từng thân cận với gia đình nạn nhân chủ mưu sát hại. Đáng nói, hung thủ từng được xem là người tử tế, có “ăn học”... 5 năm trước (2011), Lê Văn Luyện đã cướp tiệm vàng, giết 3 người, trong đó, có một em bé 18 tháng tuổi, chặt đứt bàn tay cháu nhỏ 8 tuổi. Trước đó nữa, Nguyễn Đức Nghĩa ở Hà Nội đã chặt người yêu thành nhiều khúc rồi vứt ở nhiều nơi, cướp tài sản…

Các vụ án xảy ra vào các thời điểm khác nhau, song, có nhiều điểm giống nhau liên quan đến nhân tính con người trong thời kỳ phát triển. Thủ phạm trong các vụ án đều ra tay tàn độc, đoạt mạng sống người khác một cách… nhẹ nhàng. Đáng nói hơn, thủ phạm ở đây chẳng phải là băng nhóm xã hội đen nào đó khét tiếng mà là những con người bình thường.

Khi con người bình thường đã gây án một cách ghê sợ thì phải chăng, đang có gì đó bất ổn trong nhân tính con người thời kỳ hiện đại. Rõ ràng, đây là biểu hiện cao nhất cho cụm từ mà chúng ta đã cảnh báo nhiều lần: “sự xuống cấp đạo đức xã hội”. Nó chứng tỏ ở chừng mực nào đó, việc chưa thành công trong giáo dục nhân cách của chúng ta, mặc cho đã có sự vào cuộc của nhiều chủ thể: gia đình, nhà trường, xã hội...

Có lẽ phải nêu lại tình tiết rất đáng chú ý, có tác động đến cảm xúc, nhân tính trong vụ án ở Bình Phước để chúng ta cùng suy ngẫm: trước khi sát hại cả 6 người, Nguyễn Hải Dương đã tâm sự với người yêu (Lê Thị Ánh Linh) nhưng mặc cho người yêu van xin, Dương vẫn hành động.
Những bất ổn về đạo đức, về tính người liên quan từ vụ án vẫn chưa dừng lại ở đó. Báo Tiền phong đưa tin: “Một loạt tài khoản facebook mạo danh Nguyễn Hải Dương (một trong 2 nghi phạm vụ thảm sát gia đình ông Mỹ ở Bình Phước) đã xuất hiện từ sáng sớm 11/7 để câu like khiến cộng đồng mạng phẫn nộ”.

Báo này còn nêu: “Điều đáng nói là những FB này không những sử dụng nickname, ảnh đại diện, ảnh bìa (cover) giống facebook của nghi phạm Dương mà còn đăng rất nhiều ảnh tình cảm của nghi phạm này với nạn nhân Lê Thị Ánh Linh, thậm chí, đăng cả ảnh bé Na (sống sót trong vụ thảm sát)”. Đáng buồn hơn, có những tài khoản đã thu hút hơn 31.000 like (tính đến 5h30’ ngày 11/7). Đúng là “vô lí”, “vô cảm” như nhiều người đã lên tiếng khi đọc thông tin này nhưng nó đang là một tồn tại.
Vụ giết người ở Bình Phước bên cạnh rất nhiều người theo dõi sát các tình tiết trên báo chí, một số người khác không dám theo dõi vì hoang mang, lo sợ các tình huống có thể xảy ra trong đời sống. Và, họ đã thốt lên rằng, cuộc sống thật là bất trắc, đôi khi tai họa đến với gia đình chỉ vì những nguyên nhân chẳng đáng vào đâu.

Trong thời dại phát triển như vũ bão này, kinh tế là cột trụ, song văn hóa mà cốt lõi là đạo đức, là tình người mới là nền tảng để xây dựng một xã hội thực sự bền vững thì lại đang lung lay và có nhiều điều bất ổn.
Phải chăng chúng ta cần vào cuộc mạnh hơn với môi trường giáo dục nhân cách con người, đạo đức và lối sống cần được quan tâm sâu sắc hơn.

Còn đứng trước thực tại hiện giờ, có lẽ ai cũng phải thốt lên một câu rằng xã hội giời sao vậy, hay đúng hơn con người giờ họ sao vậy, mạng người, nhân cách, lòng tự trọng chẳng nhẽ lại bị coi rẻ như vậy sao.
Hay còn lý do nào đó mà chúng ta cần phải suy tính, giáo dục, tuyên truyền vv...

Ha Tĩnh