Thứ Bảy

Có thật là trì hoãn luôn luôn xấu đến mức chúng ta phải làm mọi cách để tránh xa nó?

Có thật là trì hoãn luôn luôn xấu đến mức chúng ta phải làm mọi cách để tránh xa nó? Tôi thì đang tập làm điều ngược lại đây.
Bình thường đáng nhẽ tôi phải hoàn thành bài báo này cả tuần trước rồi ấy chứ. Nhưng mà tôi cứ trì hoãn bởi quyết tâm năm mới của tôi là trì hoãn nhiều hơn.

Có thật là trì hoãn luôn luôn xấu đến mức chúng ta phải làm mọi cách để tránh xa nó? 
Tôi đoán là tôi nợ bạn một lời giải thích. Không sớm thì muộn.

Chúng ta nghĩ về sự trì hoãn như một điều đáng nguyền rủa. Hơn 80% sinh viên bị mắc bệnh trì hoãn, dẫn đến việc họ phải thức thâu đêm để hoàn thành bài nghiên cứu và chuẩn bị cho bài kiểm tra. Xấp xỉ 20% người trưởng thành báo cáo họ là những người trì hoãn kinh niên. Chúng ta có thể dự đoán con số ước tính đó sẽ cao hơn như thế nào nếu có nhiều người trong số họ chịu điền vào bảng khảo sát hơn.

Tuy nhiên, trong khi sự trì hoãn là tật xấu cho sự năng suất, tôi vừa học được rằng – trái với thiên hướng tự nhiên của tôi – nó là phẩm chất cho sự sáng tạo.

Trong suốt nhiều năm trời tôi đã tin rằng, bất kì thứ gì đáng làm thì đáng được làm đầu tiên. Tại trường hậu đại học, tôi nộp bài luận án sớm trước hai năm. Tại Đại học, tôi viết bài nghiên cứu sớm trước hàng tuần và hoàn thành khóa luận bốn tháng trước kì hạn. Bạn cùng phòng đã trêu đùa tôi rằng tôi bị một chứng rối loạn dạng ám ảnh cưỡng chế. Các nhà tâm lí học đã “sáng tạo” ra một thuật ngữ cho tình trạng của tôi: pre-crastination.

Pre-crastination là cảm giác khao khát muốn bắt đầu một nhiệm vụ ngay lập tức và hoàn thành nó càng sớm càng tốt. Nếu bạn là một người mắc bệnh pre-crastination nghiêm trọng, việc hoàn thành việc sớm cần thiết như oxi còn sự trì hoãn chính là đau đớn. Khi một đám email đổ bộ vào hòm thư của bạn và bạn không trả lời chúng ngay lập tức, bạn cảm thấy như thể cuộc đời bạn đang xoay tròn một cách mất kiểm soát. Khi bạn có bài phát biểu vào tháng tới, mỗi ngày bạn không chuẩn bị nó đều mang cảm giác trống rỗng, như thể có một tên giám ngục đang hút hết không khí vui vẻ xung quanh bạn.

Ở trường Đại học, một ngày năng suất theo quan niệm của tôi là bắt đầu viết vào lúc 7 giờ sáng và không rời ghế cho đến giờ ăn tối. Tôi đã theo đuổi “flow” (dòng chảy), trạng thái tinh thần được mô tả bởi nhà tâm lí học Mihaly Csikszentmihalyi mà theo đó bạn hoàn toàn chìm đắm vào một công việc và đánh mất cảm giác về thời gian và nơi chốn. Tôi đã rơi sâu vào trạng thái tập trung đó đến nỗi mà có một lần bạn cùng phòng của tôi tổ chức bữa tiệc trong khi tôi đang viết và tôi thậm chí chẳng để ý điều đó.

Tuy nhiên những người hay trì hoãn, như Tim Urban đã miêu tả trong blog Wait But Why, luôn trong tình trạng bị kiểm soát bởi Instant Gratification Monkey (con khỉ hài lòng tức thì) trú ngụ trong não của họ, liên tục hỏi những câu hỏi như: Tại sao chúng ta phải sử dụng máy tính để làm việc trong khi mạng Internet thì ở ngay đây đợi chúng ta chơi cùng?

Nếu bạn là một người hay trì hoãn, để chiến thắng được con khỉ kia đòi hỏi ý chí mạnh như Hercules. Tuy nhiên, một pre-crastinator cũng sẽ cần ý chí tương đương để không làm việc.

Mặc dù vậy, một vài năm trước, một trong những học sinh sáng tạo nhất của tôi, Jihae Shin, đặt câu hỏi về thói quen giản tiện của tôi. Cô ấy nói rằng những ý tưởng nguyên bản nhất đến với cô ấy sau khi cô ấy trì hoãn. Tôi thách thức cô chứng minh điều đó. Cô ấy tiếp cận một vài công ty, khảo sát mọi người về thói quen trì hoãn, và hỏi người quản lí của họ để đánh giá tính sáng tạo của họ. Những người hay trì hoãn giành điểm sáng tạo cao đáng kể hơn những pre-castinator giống như tôi.

Tôi cảm thấy không thuyết phục. Chính vì vậy, Jihae, bây giờ đã là một giáo sư tại Đại học Wiscousin, đã thiết kế một vài thí nghiệm. Cô ấy yêu cầu mọi người nghĩ ra những ý tưởng kinh doanh. Một số người ngẫu nhiên được yêu cầu bắt đầu ngay lập tức. Số khác được cho 5 phút để chơi Minesweeper hoặc Solitare trước khi trả lời. Tất cả mọi người nộp ý tưởng của họ, và những người đánh giá độc lập sẽ xếp hạng mức độ nguyên bản của ý tưởng. Ý tưởng của những người trì hoãn sáng tạo hơn 28%.

Trò Minesweeper thì tuyệt, nhưng nó không phải là thứ tạo nên sự khác biệt này. Khi mọi người chơi game trước khi được thông báo về nhiệm vụ, tính sáng tạo không hề tăng lên. Chỉ khi họ lần đầu tiên được biết đến nhiệm vụ và sau đó trì hoãn nó thì họ mới cân nhắc được nhiều ý tưởng mới lạ. Hóa ra sự trì hoãn khuyến khích suy nghĩ khác biệt.

Những ý tưởng đầu tiên của chúng ta, suy cho cùng, thường là những thứ không có gì mới lạ. Khóa luận tốt nghiệp của tôi tại Đại học cuối cùng chỉ mô phỏng một tập hợp những ý tưởng đã xuất hiện thay vì đưa ra những ý tưởng mới mẻ. Khi bạn trì hoãn, có nhiều khả năng là bạn sẽ để tâm trí bạn được lang thang. Điều đó sẽ cho bạn cơ hội tốt hơn để vấp vào những kiểu mẫu bất ngờ và bất thường. Gần một thế kỉ trước, nhà tâm lí học Bluma Zeigarnik đã nhận thấy rằng con người có trí nhớ tốt hơn cho những nhiệm vụ chưa được hoàn thành hơn là những thứ đã hoàn thành. Khi chúng ta hoàn thiện một dự án, chúng ta xếp xó nó. Nhưng khi nó chưa được kết thúc một cách chắc chắn, nó sẽ luôn hiện hữu trong tâm trí chúng ta.

Bất đắc dĩ tôi phải chấp nhận rằng sự trì hoãn sẽ giúp sáng tạo hàng ngày. Nhưng những thành tựu vĩ đại thì lại là một câu chuyện khác, phải không?

Sai. Steve Jobs trì hoãn liên tục, một vài người cộng tác với ông ấy đã nói với tôi như thế. Bill Clinton được mô tả như một “người trì hoãn kinh niên”, người mà phải đợi đến phút cuối cùng mới soát lại những bài phát biểu của ông ấy. Frank Lloyd Wright dành gần một năm trì hoãn thực hiện một dự án, đến mức mà người bảo trợ của ông ấy phát điên và nài nỉ ông tạo ra một bản vẽ ngay lập tức. Nó đã trở thành Fallingwater, một kiệt tác của ông ấy. Aaron Sorkin, biên kịch của “Steve Jobs” và “The West Wing” được biết đến là đã trì hoãn việc viết lách cho đến phút cuối. Khi Katie Couric được hỏi về sự trì hoãn, ông ta trả lời: Bạn gọi nó là sự trì hoãn, tôi gọi nó là suy nghĩ.

Vậy nếu sự sáng tạo xảy ra không phải là việc bất chấp sự trì hoãn, mà là kết quả của nó thì sao? Tôi đã quyết định thử một lần. Tin tốt là tôi không phải là kẻ tay mơ với tính tự kỉ luật. Chính vì vậy, một buổi sáng tôi thức giấc và viết một danh sách việc cần làm để trì hoãn lâu hơn. Sau đó tôi đặt ra mục tiêu là không làm gì tạo tiến triển để đạt được những mục tiêu của tôi. Nó đã không tiến triển gì một cách xuất sắc.

Bước đầu tiên của tôi là trì hoãn những nhiệm vụ có tính sáng tạo, bắt đầu bằng bài báo này. Tôi đã kháng cự cám dỗ của việc ngồi xuống và bắt đầu gõ, thay vào đó là chờ đợi. Trong khi trì hoãn (cũng có thể hiểu là suy nghĩ), tôi nhớ ra một bài báo mà tôi đã đọc hàng tháng trước đó về pre-crastination. Nó khiến tôi bừng tỉnh và rằng, tôi có thể sử dụng chính kinh nghiệm của mình để chia sẻ với độc giả.

Tiếp theo, tôi tìm kiếm một vài động lực từ “Seinfed” của George Costanza, người có thói quen bỏ dở ở trình độ cao. Khi tôi bắt đầu viết một câu văn có vẻ đã hay, tôi bỏ lửng ở giữa và rời đi chỗ khác. Một lúc sau khi tôi quay lại để viết tiếp ngày hôm đó, tôi có thể tìm lại nơi lối mòn suy nghĩ của tôi bị bỏ rơi. Mitch Albom, tác giả của “Tuesdays with Morrie”, sử dụng mẹo tương tự. “Nếu bạn bỏ lửng ở giữa câu, điều đó thật tuyệt”, ông ta nói với tôi. “Bạn sẽ vô cùng háo hức muốn quay lại với nó vào buổi sáng hôm sau.”

Mỗi khi tôi hoàn thành xong một bản thảo, tôi cất nó đi trong ba tuần. Khi xem lại nó, tôi đã có đủ thời gian để băn khoăn “Thằng ngốc nào đã viết cái thứ rác rưởi này vậy?”, và viết lại phần lớn trong số đó. Trước sự ngạc nhiên của tôi, tôi đã có những tư liệu mới mẻ luôn sẵn có để tùy ý sử dụng: Sau ba tuần đó, ví dụ, một đồng nghiệp đã đề cập đến sự thật rằng ông Sorkin là một người trì hoãn rất nhiệt tình.

Điều mà tôi đã khám phá ra là trong mọi dự án sáng tạo, sẽ có những khoảnh khắc mà yêu cầu phải suy nghĩ trừu tượng và khác biệt hơn, và vâng, chậm hơn. Thiên hướng mong muốn hoàn thành sớm của tôi chính là một cách để dập đi những suy nghĩ phức tạp mà đưa tôi quay đến những hướng đi mới. Tôi đã lảng tránh sự khổ sở của việc suy nghĩ khác biệt – nhưng tôi cũng đã bỏ lỡ phần thưởng của nó.

Dĩ nhiên, sự trì hoãn cũng có thể vượt quá giới hạn. Jihae đã ngẫu nhiên chỉ định một nhóm người thứ ba để đợi đến phút cuối mới bắt đầu dự án của họ. Họ đã không phải là người sáng tạo. Họ phải cuống cuồng để triển khai ý tưởng dễ dàng nhất thay vì suy nghĩ để tìm ra thứ mới mẻ hơn.

Để ngăn thể loại trì hoãn hủy diệt đó, khoa học gợi ý một vài hướng dẫn hữu dụng. Đầu tiên, hãy tưởng tượng chính bản thân bạn thất bại một cách ngoạn mục, và sau đó cảm giác lo lắng điên cuồng sẽ khởi động bộ máy của bạn. Thứ hai, hạ thấp chuẩn mực của bạn cho thứ gọi là quá trình, và bạn sẽ ít bị tê liệt hơn bởi chủ nghĩa hoàn hảo. Chia nhỏ thời gian cũng có thể giúp bạn: Nhà tâm lí học Robert Boice đã giúp những cử nhân vượt qua trở ngại của người viết bằng cách dạy họ viết 15 phút mỗi ngày. Bước ưa thích của tôi là tiền-cam kết. Nếu bạn thích thú về kiểm soát súng, hãy vào ứng dụng stick và ứng trước một số tiền. Nếu bạn không hoàn thành công việc đúng thời hạn, số tiền của bạn sẽ được quyên góp cho Tổ chức súng trường quốc gia. Sự sợ hãi của việc phải ủng hộ một thứ mà bạn khinh bỉ có thể sẽ là một động lực đầy sức mạnh.

Tuy nhiên, nếu bạn là một người hay trì hoãn, lần tới nếu bạn đang đắm mình trong u tối của tội lỗi và căm ghét bản thân vì thất bại trong việc bắt đầu một nhiệm vụ, hãy nhớ rằng trì hoãn đúng cách có thể sẽ khiến bạn trở nên sáng tạo hơn. Và nếu bạn là một pre-crastinator giống tôi, rất đáng để thành thạo kỉ luật về việc tự ép bản thân trì hoãn. Bạn không còn phải lo lắng vì để dở công việc.

Trạm Đọc (Read Station)
Kim Ngân dịch
Theo New York Times