Thứ Tư

Chữ Nho, nên để hay là nên bỏ?

Thưa các quý vị độc giả!

Trong những ngày qua, trên Vietnamnet có chuyên mục SỰ KIỆN NÓNG, bàn về việc dạy và học chữ Hán ở Việt Nam. Nhân danh là người sưu tập, nghiên cứu về sự nghiệp và cuộc đời nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), tôi xin được gửi tới các quý vị một bài viết của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, có nội dung phù hợp với việc nhìn nhận và xác định vai trò, giá trị cũng như hướng tiếp cận và sử dụng chữ Hán ở xã hội Việt Nam.

Chữ Nho, nên để hay là nên bỏ?
Bài báo của Nguyễn Văn Vĩnh được đăng tải cách đây đã hơn 100 năm, văn phong tiếng Việt được thể hiện từ khi chữ Quốc ngữ chưa được dùng là văn tự chính thức của dân tộc Việt, vì vậy, việc chúng tôi chép lại từ tờ báo Đông Dương Tạp Chí số 31, phát hành ngày 22.12.1913 tại Hà Nội, được tuyệt đối chú ý, trung thành với bản gốc, nhằm đảm bảo tính nguyên bản đối với nội dung mà tác giả đã trình bày.

Nhận thấy đây là một minh chứng sinh động của các bậc tiền nhân, thể hiện quan điểm đối với vai trò của chữ Hán trong lịch sử Việt Nam, BBT chúng tôi xin kính chuyển đến các độc giả bài viết này, để cùng nhau khảo cứu, chiêm nhiệm về một đề tài đã luôn làm cho xã hội phải dành rất nhiều thời gian bàn luận. Qua đó, giúp cho các thế hệ người Việt có cơ sở đánh giá đúng tính tư tưởng và nhãn quan xã hội của các nhân sĩ Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX, khi mà chữ Quốc ngữ đang cạnh tranh gay gắt với chữ Nho, dành vị thế độc tôn trong việc hình thành nền văn học riêng của người Việt.

Bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh cũng xác định rõ quan điểm minh bạch của tác giả về thái độ ứng xử trước chữ Nho, tuyệt đối không có sự hạ thấp hay coi thường như luận điệu của một nhóm người thiếu thiện chí, từng mượn cớ thóa mạ Nguyễn Văn Vĩnh là kẻ tội đồ trong việc động viên cuộc cách mạng văn hóa, đẩy chữ Quốc ngữ soán ngôi vị của chữ Nho, làm đứt mạch văn hóa Hán Nôm của dân tộc Việt.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của các chị, các anh và các bạn độc giả gần xa trong thời gian gần đây đã quan tâm nhiều hơn tới đề tài Tân Nam Tử – Nguyễn Văn Vĩnh.

Trân trọng!

BBT Tannamtu.com