Thứ Ba

Một tượng đài cho đàn cá miền Trung

Tôi mong rằng sẽ có một tượng đài cho đàn cá ở miền Trung - tượng đài nhắc nhớ mỗi khi có một dự án công nghiệp tiếp theo về sau được trình ký, để giấc mơ công nghiệp hóa không bị lấn át môi trường sống an toàn cho thế hệ mai sau.

500 triệu USD tiền đền bù của Formosa chắc chắn sẽ không đủ làm sống lại môi trường biển miền Trung. Số tiền đó, có lẽ sẽ là đủ để dựng lên một tượng đài cho đàn cá chết oan bên bến cảng Sơn Dương. Và tôi cho rằng đó là một việc làm cần thiết, để luôn có thể nhắc nhớ chúng ta về sự kiện đau buồn này, để bất kỳ một ai cũng phải nghĩ về cái chết oan khiên của đàn cá mỗi khi đặt bút ký thêm một dự án tương tự Formosa.

Cá chết hàng loạt ở miền Trung là sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng (Ảnh: Người lao động)
Năm năm về trước, sau khi Vedan hoàn tất việc chi trả 220 triệu tiền đền bù vì đã bức tử sông Thị Vải, rất nhiều người đã nghĩ rằng đó là một bài học để những sai lầm tương tự sẽ không còn lặp lại. Nhưng sau 5 năm, giờ không nhiều người còn nhớ câu chuyện đó. Trong 5 năm đó, không chỉ Formosa kịp xây dựng một đại khu công nghiệp nặng ở vùng đất duyên hải hẹp nhất Việt Nam. Từ Bắc vào Nam, dọc theo chiều dài hơn 3000 km bờ biển đã cơ bản phủ kín các khu công nghiệp lớn nhỏ.

Câu chuyện Vũng Áng hôm nay rồi cũng sớm lãng quên. Bởi vì giấc mơ công nghiệp hóa vốn đã như một nỗi ám ảnh trường kỳ, sẽ vẫn tiếp tục hiện diện trong tất cả các bản báo cáo kinh tế xã hội của tất cả các địa phương.

Cuộc khủng hoảng cá chết kéo dài gần 100 ngày vừa qua đủ để người Việt Nam phải suy nghĩ về giấc mơ công nghiệp hóa của mình. Nhưng những suy nghĩ đó liệu có qua đi như một cơn gió thoảng khi câu chuyện cá chết không còn thời sự, như Vedan và Thị Vải năm xưa?

Công nghiệp nặng, chấp nhận trở thành một phần công xưởng của thế giới, là đích đến của cuộc dịch chuyển những nhà máy bị khước từ ở những cộng đồng phát triển. Chấp nhận điều đó, nghĩa là chúng ta không chỉ chấp nhận “chọn cá hay chọn thép”. Chấp nhận điều đó, có nghĩa chúng ta sẽ chấp nhận cả sự dịch chuyển của đời sống xã hội, văn hóa của cả một dân tộc vốn đã hình thành và phát triển bên bờ biển từ hàng ngàn năm nay.

Chỉ một Formosa, với khoản tiền đền bù 500 triệu USD, hàng triệu ngư dân ven biển miền Trung đã sẵn sàng để chuyển đổi nghề nghiệp. Họ sẽ làm gì còn chưa biết. Nhưng chắc chắn những con thuyền đánh cá sẽ tiếp tục nằm bờ bởi đàn cá sẽ rất lâu nữa không còn trở về. Với những khu công nghiệp đang hình thành suốt dọc bờ biển, sẽ còn biết bao ngư dân nữa trở thành công nhân và ngơ ngác trên chính quê hương mình?

500 triệu USD đền bù của Formosa chỉ là một con số vô cùng nhỏ bé để tạo nên sự thay đổi cuộc sống bền vững cho những nạn nhân của nó. Nhưng đó là cái giá buộc phải nhận do những sai lầm vụng dại để thực hiện giấc mơ công nghiệp hóa. Liệu chúng ta có sẵn sàng để trả giá cho những sự vụng dại tiếp theo?

Đàn cá đã chết, oan khuất và cay đắng. Nhưng cái chết của đàn cá miền Trung liệu có là vô nghĩa hay không? Sẽ là vô nghĩa nếu như cái chết của đàn cá bị lãng quên cùng với quá trình giải ngân khoản tiền nhỏ nhoi đó bằng những khoản hỗ trợ để ngư dân quên đi khơi, đi lộng mà quen dần với bộ đồng phục của công nhân.

Vậy thì 500 triệu USD tiền đền bù của Formosa nên dùng làm gì? Tôi tin là nó đủ để xây dựng tượng đài cho đàn cá miền Trung. Cần một tượng đài để nhắc nhớ nỗi đau này mỗi khi một Vũng Áng tiếp theo được đưa ra trình ký.            

Phạm Trung Tuyến/Khám Phá