Thứ Sáu

Hải Dương: Cá liên tục chết trên sông Cửu Yên, chính quyền chưa điều tra nguyên nhân ô nhiễm

Từ nhiều năm nay, trên sông Cửu Yên, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương liên tục xảy ra tình trạng cá chết trắng ở nhiều khúc sông. Người dân chỉ thẳng ra nguồn gây ô nhiễm - là 1 cty sản xuất đồ chơi của Trung Quốc, tuy nhiên, chính quyền chưa dám khẳng định nhưng cũng không truy tìm được nguyên nhân.

Cá chết trắng trôi dạt vào khu vực cống An Thổ, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ.

Liên tục cá chết trắng


Sông Cửu Yên dài thàng chục km, kéo dài từ khu vực cống An Thổ (gần ngã 3 sông Luộc) đi qua các xã Hà Thanh, Nguyên Giáp, Tiên Động, Phượng Kỳ, Cộng Lạc… tới khu vực cống Cầu Xe. Bao đời nay, con sông là nguồn nước chính cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của hàng vạn hộ dân các xã đôi bờ.

Tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây, mỗi năm đôi ba lần, cá lại chết trắng ở nhiều điểm trải dài suốt con sông mà người xưa đã đặt cho nó một cái tên với một niềm mong ước “bình yên mãi mãi – Cửu Yên”.

Khởi đầu là ở khu vực Cầu Xe, với dấu hiệu ban đầu là nước sông có những dịp đen và rất tanh, để rồi sau đó, cá, tôm nhao lên mặt nước rất nhiều. Những người dân, nhất là những người đánh bắt cá cho biết, có những ngày, họ xúc được cả tạ cá đang hấp hối hoặc đã chết. Cả một khúc sông cá chết trắng và mùi hôi thối khó chịu.

Tình trạng sông bị ô nhiễm và cá chết sau đó cứ lan rộng và kéo dài từ đầu đến cuối sông Cửu Yên.
Anh Nguyễn Văn Cường – một người chuyên đánh bắt cá trên sông – cho biết, khi nào cống An Thổ và cống Cầu Xe ở đầu và cuối sông Cửu Yên đóng thì ngay tức thời, cá chết hàng loạt, bởi đó là lúc nguồn gây độc cho sông tích tụ, không thoát ra ngoài được.

“Bình thường, có thể nước sông vẫn bị ô nhiễm nặng, nhưng do tháo cống thường xuyên, nước ra – vào liên tục, độc tố được hòa nhạt ra nên cá không chết, hoặc có chết thì cũng trôi đi mất” – anh Cường lý giải.

Cách đây khoảng 10 ngày, ngay khi đóng cống An Thổ, tại vị trí này, cá lại chết trắng hàng loạt. Có điều, lần này không có cá to, mà theo người dân, không phải do mức ô nhiễm đã giảm đi, mà có thể cá lớn đã chết nhiều từ những đợt trước.

Năm ngoái, có ngày, mỗi người dân vớt được hàng tạ cá lớn; chưa kể hàng yến tôm khi chúng nhao lên rúc vào bờ do sông ô nhiễm quá nặng.

Năm nay, tình trạng cá chết đã lan rộng sang cả các khu vực nuôi cá lồng bè nằm gần ngã 3 sông Cửu Yên và sông Luộc.

Ai đầu độc sông Cửu Yên?

Theo những người dân các xã sống bên đôi bờ sông Cửu Yên, dòng sông bị đầu độc từ ngày huyện Tứ Kỳ thu hút được một số cty may, sản xuất đồ chơi…

Trong số này, Cty TNHH GFT Việt Nam của nhà đầu tư Hồng Kông, Trung Quốc, chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em, tiếp tục bị người dân tố là thủ phạm đầu độc dòng sông.

Thực tế, không bao lâu sau khi đi vào hoạt động vào năm 2013, nhà máy của cty này đã liên tục bị người dân xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ “tố” xả nước thải độc hại xuống hệ thống kênh mương tưới tiêu của người dân. Dù chính quyền các cấp vào cuộc, nhưng đến nay, hệ thống kênh mương ở gần nhà máy, thuộc thôn Hàm Hy vẫn đen ngòm, hôi thối, khiến cá không chỉ ở kênh mương, mà còn ở những ao hồ gần đó cũng chết trắng.

Theo người dân, nước thải theo hệ thống kênh mương đổ ra sông Cửu Yên có thể là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm dòng sông; ngoài ra, không loại trừ có một đường ống đặt ngầm xả trộm trực tiếp xuống sông.
Sông Cửu Yên, đoạn chảy qua các xã Hà Thanh, Nguyên Giáp. Giờ hầu như không ai dám tắm trên dòng sông này sau khi cá chết hàng loạt.
Trả lời báo Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Sẫm – Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ – cho rằng, cá chết cục bộ trên sông Cửu Yên thời gian qua có thể do các thôn, xã xả nước trong đồng – vốn cũng bị ô nhiễm do thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…– ra sông.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có cuộc điều tra chính thức về nguyên nhân gây ô nhiễm, khiến cá chết trắng trên sông Cửu Yên, dù tình trạng này đã kéo dài suốt nhiều năm qua. Thậm chí, một số lãnh đạo xã còn phủ nhận thông tin cá chết trên những đoạn sông đi qua địa phận xã mình.

Người dân mong muốn chính quyền, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để tìm ra nguyên nhân và mức độ ô nhiễm của dòng Cửu Yên, từ đó có giải pháp xử lý, đồng thời cũng có thể minh oan cho Cty TNHH GFT Việt Nam nếu Cty này thực sự không gây ô nhiễm.

Đặc biệt, người dân chờ đợi một câu trả lời chính xác: liệu sông bị ô nhiễm có ảnh hưởng gì tới nguồn nước từ các nhà máy nước sạch của các xã nằm cạnh sông Cửu Yên cung cấp cho họ?

Nguồn: Lao Động