Thứ Tư

GS Nguyễn Văn Tuấn: “Chẳng học được gì từ bài giảng của TS Dương”

GS Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ trên blog cá nhân của mình như vậy khi xem xong các clip giảng bài của TS Lê Thẩm Dương.
Ts Lê Thẩm Dương
LTS: Những ngày gần đây những tranh cãi về bài giảng của TS Lê Thẩm Dương vẫn chưa chấm dứt khi ngày càng nhiều các vị GS có tiếng tại Việt Nam lên tiếng chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Để rộng đường dư luận, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng tải, giới thiệu bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn trên blog cá nhân của ông về vấn đề này. 

Không biết các bạn nghĩ gì, nhưng cá nhân tôi rất sợ học viên nghĩ rằng tôi không tôn trọng họ. Tôi nghĩ rằng học viên bỏ thì giờ đến với mình là kì vọng có thông tin gì mới, hay học hỏi được một điều gì đó. Nhưng nếu tôi là giảng viên mà không đáp ứng được kì vọng đó, tôi cảm thấy hối hận và thất bại.

 Do đó, tôi thường khuyên nhắc các nghiên cứu sinh khi ra ngoài nói gì, cần phải chuẩn bị cẩn thận, từ slide đến cách nói và điệu bộ, không cần quá đạo mạo như ông bà cụ non, nhưng cũng không quá đóng kịch làm tuồng, mà vừa đủ để tạo sự trang nghiêm nhưng thân thiện & gần gũi với học viên.

Nhưng trong thực tế, không phải giảng viên nào cũng giữ được vị trí “cân bằng” đó. Có khi giảng viên quá bận nên nói qua loa. Có khi giảng viên quá tự tin nên chẳng cần giấy bút hay slide gì cả. Ngay cả khi soạn slide mà hình thức trình bày lôm côm, chẳng đâu vào đâu, chẳng có nội dung gì đáng chú ý, thì cũng là một sự làm mất thì giờ của học viên. Cả ba hình thức đều có thể bị xem là khinh thường học viên.

Mấy hôm nay, báo chí và cư dân mạng tốn nhiều giấy mực và chữ nghĩa cho “hiện tượng” Lê Thẩm Dương. Người phê phán cách giảng dạy của anh rất nhiều, nhưng người khen cũng không phải là ít. Người phê phán thì chỉ ra những sai sót về kiến thức chuyên môn, và đặc biệt là cách giảng với nhiều ví von đầy hình tượng (có khi mang tính sexual reference) và nhiều khi dùng những từ ngữ có thể nói là dung tục.

Người khen thì cho rằng anh giảng hay, có cách nói lôi cuốn, độc đáo, khác người, thú vị, v.v. nhưng không thấy họ nói gì đến nội dung bài giảng. Tôi thì thấy cách giảng của anh giảng viên rất dễ bị diễn dịch là khinh thường học viên. Có thể anh ấy không có ý này, nhưng ấn tượng để lại là như thế: xem thường người nghe.

Tôi tò mò tải về toàn bộ loạt bài giảng về để nghe và theo dõi. Nghe xong, tôi thấy loạt bài giảng rất … vui. Và, cảm tưởng của tôi hình như chỉ dừng ở đó: vui. Ngoài ra, tôi chẳng học gì từ loạt bài giảng đó, nhưng phải nói ngay rằng cảm giác đó của tôi có lẽ do tôi là người “ngoại đạo” chứ không hẳn là giảng viên chưa chuyển tải thông điệp của những bài giảng.

Có thể tóm lược phong cách giảng bài của anh giảng viên này qua 3 đặc điểm: không cần (hay không có) slide hoặc những lecture notes; thiếu dữ liệu khoa học; và những minh hoạ bằng những cách nói tượng hình.

Thật vậy, toàn bộ loạt bài giảng, anh giảng viên không dùng bất cứ một slide nào. Cũng không thấy một lecture note nào trên bục giảng. Nhưng anh giảng viên thỉnh thoảng có vẽ gì đó trên bảng trắng. Và, thỉnh thoảng thấy có một người lên lau bảng. Những người giảng bài không cần lecture note hay slide, thông thường, là những chuyên gia rất kinh nghiệm trong nghề.

Nhưng cũng có thể là những người do quá bận không có thì giờ chuẩn bị bài giảng nhưng vì nhiệm vụ nên phải làm cho xong việc. Trong trường hợp này, tôi nghĩ có vài lí do để chọn giả thuyết thứ hai hơn là giả thuyết thứ nhất để giải thích cho phong cách giảng bài của giảng viên, vì hình như loạt bài giảng có vẻ lan man, đi từ ý tưởng này sang ý tưởng khác mà chẳng thấy rõ sự mạch lạc của các ý tưởng nhằm nói lên một câu chuyện nào.

Suốt hơn 2 giờ giảng, giảng viên không trình bày một dữ liệu khoa học nào. Dữ liệu khoa học tôi muốn nói ở đây là những thông tin từ sách giáo khoa, bài báo khoa học. Thỉnh thoảng giảng viên có nói vài con số (như hơn phân nửa GDP là do nữ giới làm ra) nhưng không thấy bất cứ một nguồn dữ liệu nào để làm cơ sở cho phát biểu đó. Lại có khi có một vài phán xét mà tôi nghĩ là không đúng.

Chẳng hạn như anh giảng viên nói “những thằng cao to đẹp trai thì IQ thấp, đã có tài thì phải dị tướng”. Nhưng trong thực tế, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng IQ tăng theo chiều cao mà tôi có dịp phân tích trước đây. Bên culangcat có một người phân tích chi tiết về những sai lầm về dữ liệu thật (fact) và kiến thức của anh giảng viên, mà tôi nghĩ nói lên một phần nào đó vấn đề học thuật của người giảng.

Thay vào sự thiếu thốn dữ liệu khoa học là những minh hoạ rất hình tượng. Những minh hoạ này dù chỉ là ví von, nhưng có xu hướng dung dục. Chẳng hạn như có lúc giảng viên cho ra một phương trình về độ tuổi nam nữ hợp đôi chồng vợ (lấy tuổi người nam chia cho 2 và cộng kết quả với 3), mà chẳng biết xuất phát từ đâu và có ý nghĩa gì đến nội dung bài giảng.

Điều đáng nói là giảng viên hỏi một nữ học viên và tự kết luận người nữ học viên nên lấy người có tuổi như anh ta! Lại có lúc những ví dụ về phong thuỷ, về gái đẹp và chuyện khó bán căn hộ cao cấp, thoạt đầu có thể nghe vui vui, nhưng nếu suy nghĩ kĩ thì chẳng có ý nghĩa gì hay góp phần vào việc làm sáng tỏ nội dung bài giảng.

Nói chung, có thể nói rằng hàm lượng thông tin khoa học từ loạt bài giảng rất thấp. Những cách ví von, những minh hoạ có phần dung tục, cùng những từ ngữ rất xa lạ với người có học hay giới khoa bảng noi chung (như mẹ, thằng, chúng, nó, con, con vợ, v.v.) rất phản cảm. Đề cập đến vợ bằng "con vợ" thì quả là can đảm và thật độc đáo! Cách nói đó còn dễ gây ấn tượng giảng viên xem thường học viên. Thật ra, ngay cả việc lên lớp mà không có chuẩn bị chu đáo về nội dung (slides, lecture notes) cũng có thể xem là một hình thức xem thường học viên.

Tôi nghĩ người học phải bỏ thì giờ (có khi tiền bạc) đến nghe giảng, và họ muốn thông tin mình tiếp nhận xứng đáng với “đồng tiền bát gạo”. Giảng viên nên tỏ ra có trách nhiệm cao, phải làm hết sức mình trong điều kiện cho phép để người học không cảm thấy mình phí thì giờ, và nhất là không cảm thấy mình bị xem thường.

Nhưng rất tiếc phong cách giảng bài của anh giảng viên lại gây ấn tượng tiêu cực. Đáng quan tâm hơn nữa khi có hàng ngàn người (có lẽ là sinh viên?) lại ủng hộ phong cách giảng bài như thế. Chẳng lẽ sinh viên Việt Nam ngày nay dễ dãi đến như thế hay sao?

Nhà văn Lê Thị Thấm Vân có thể viết những truyện ngắn và truyện dài táo bạo. Thật ra, truyện của Thấm Vân không phải dễ đọc, vì đằng sau những câu chữ táo bạo là những thông điệp về cuộc sống và mối liên hệ phức tạp trong xã hội hiện đại. Nhưng văn phong của Nhà văn Thấm Vân thì chắc khó có thể đem vào hay thích hợp với môi trường học thuật trong một giảng đường đại học.

Anh giảng viên có nói rằng buổi giảng đó chỉ là một trao đổi như trên bàn cà phê, nhưng tôi e rằng biện minh này không thuyết phục, vì bàn luận -- cho dù là trên bàn cà phê -- mà có người khác phái thì cách nói vô chứng cứ và dung tục càng không thích hợp.
GS Nguyễn Văn Tuấn sinh ra tại Kiên Giang, cha ông là một chiến sĩ Vệ quốc quân người Bình Định đã vào Nam theo chiến dịch Nam tiến thời chống Pháp. Ông lớn lên ở Kiên Giang và rời Việt Nam năm 1981 sang định cư tại Australia năm 1982.
Khi sang Úc định cư, ông bắt đầu bắc các công việc phụ bếp, rồi làm phụ tá trong phòng thí nghiệm sinh học tại Bệnh viện St. Vincent’s. Từ năm 1987-1997: Ông lần lượt tốt nghiệp Thạc sĩ Đại học Macquarie (Úc), Tiến sĩ thống kê, chuyên về dịch tễ học Đại học Sydney (Úc), Tiến sĩ y khoa Đại học New South Wales (Úc), Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc) tại Đại học Basle, Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Sandoz (Thụy Sĩ) và Bệnh viện St Thomas (Anh).
Năm 1997, ông tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa nội tiết học, và được bổ nhiệm làm Phó Giáo sư Dịch tễ học trường Y thuộc Đại học Wright States (Mỹ), Năm 1998 ông được bổ nhiệm Phó Giáo sư y khoa tại trường này.
Năm 2009, ông được bổ nhiệm Giáo sư Đại học New South Wales (Úc) và là hiện là giảng viên cao cấp tại trường này. Ngoài công việc thỉnh giảng ông còn là một nhà nghiên cứu khoa học với các công việc như Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc và là Nghiên cứu viên cao cấp Hội đồng quốc gia về nghiên cứu y khoa và y tế Úc 
Theo báo Giáo Dục