Thứ Bảy

Dân ta đã già mất rồi! Làm sao đây?

Hiện nay ở nước ta, người cao tuổi đã chiếm 10% dân số và các chuyên gia cảnh báo rằng, đến năm 2050 người Việt sẽ trở thành người “siêu già”.

 Dân ta đã già mất rồi! Làm sao đây?
Nhìn lại hơn một nửa thế kỷ qua chúng ta đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình, mô hình 2 con trở lên phổ biến và người dân thấy rõ lợi ích trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng hiện nay, mô hình mỗi gia đình có 1-2 con được triển khai sâu rộng trên khắp cả nước; tốc độ gia tăng dân số luôn giữ được mức ổn định.

Trong 5 năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được những thành tựu khả quan như duy trì mức sinh thay thế; tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh bước đầu được khống chế; tỷ lệ bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh được sàng lọc ngày càng cao; tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh ngày càng giảm; công tác chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên được cải thiện; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được nâng cao; chất lượng dân số vùng biển, đảo, ven biển được nâng lên…

Tuy nhiên, các chuyên gia Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam lại đánh giá mức sinh của Việt Nam đã liên tục giảm và đạt dưới mức sinh thay thế trong gần 10 năm qua, kể từ năm 2005. Nhưng đặc điểm nổi bật khác của nhân khẩu học Việt Nam là vấn đề “già hóa dân số”. Các chuyên gia khẳng định, nước ta đã chính thức bước vào “giai đoạn già hóa” từ năm 2011, kết quả của việc mức sinh và mức chết đều giảm và tuổi thọ cao hơn. Trong suy nghĩ thông thường, tuổi thọ tăng lên là điều đáng mừng của các gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, tuổi thọ ở nước ta hiện đã đạt 73,4, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

Trong một hội thảo chuyên ngành, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cũng cho rằng, đã đến lúc điều chỉnh chính sách dân số, đặc biệt là mức con mỗi bà mẹ được sinh. Vì thế giảm sinh đến mức nào, thời điểm nào dừng lại để không lặp lại câu chuyện của các nước trên là vấn đề ngành dân số cần quan tâm.

Tiến sĩ Lê Bạch Dương, chuyên gia Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc lấy ví dụ bức tranh dân số của Hàn Quốc từ năm 1996, Chính phủ nước này đã ngừng kiểm soát mức sinh nhưng bất chấp những cố gắng của Chính phủ, thậm chí là với những chính sách khuyến khích sinh “hào phóng”, Hàn Quốc vẫn thất bại trong việc “vực” mức sinh.

Trong suốt 50 năm qua, chính sách dân số của Việt Nam là tập trung xử lý quy mô dân số tăng quá nhanh, dự kiến đạt mức sinh thay thế năm 2015, nhưng từ năm 2006 đã đạt. 10 năm qua mức sinh thay thế duy trì 2,1 con. Năm 2015 quy mô dân số Việt Nam là trên 90 triệu. Xu hướng mức sinh thấp đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành, khu vực, các thành phố lớn, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều nơi khác.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, đã đến lúc cần điều chỉnh chính sách dân số trao quyền quyết định số con cho các cặp vợ chồng. Việt Nam cần chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kiểm soát sinh sang việc lồng ghép các biến số dân số vào quá trình lập kế hoạch phát triển. Việt Nam không phải tiếp tục chính sách giảm mức sinh hay kiểm soát dân số nữa. Bởi xu hướng giảm tổng tỷ suất sinh là rõ ràng và không thể đảo ngược lại cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách kiểm soát dân số thì sẽ tác động ngược lại tới sự phát triển kinh tế xã hội.

Trong 5 năm qua tình trạng có thai ngoài ý muốn và phá thai của vị thành niên, thanh niên chưa được cải thiện nhiều; công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi chậm được cải thiện; chất lượng dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản còn nhiều hạn chế.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, công tác dân số của Việt Nam đang đứng trước bước chuyển lớn, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của ngành dân số cũng như sự chung tay vào cuộc của toàn thể các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Cần khắc phục những khó khăn, thách thức tồn tại như quy mô dân số đã đạt kế hoạch nhưng vẫn có xu hướng gia tăng; tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn còn cao và già hóa dân số tăng nhanh, nếu không có các giải pháp mang tính cân bằng và chiến lược, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số già “điển hình” trên thế giới. Đây đúng là mối lo của cả xã hội.

Phó thủ tướng cho biết, sẽ sớm trình Quốc hội ban hành về Luật Dân số. Dân số ở đây không chỉ có quy mô, cơ cấu, phân bổ mà quan trọng là phải chú trọng nâng cao chất lượng dân số.

Theo NĂNG LƯỢNG MỚI