Thứ Bảy

Thanh Bùi: “Chúng ta đừng chỉ sống cho mỗi đời mình”

Qua chiến dịch "Tôi không thể" (I can’t) do Change thực hiện, Thanh mong mọi người có thể nhìn xa trông rộng hơn. Chúng ta đừng chỉ sống cho mỗi đời mình, mà hãy hành động vì cuộc sống của con cháu mình đời sau,” nghệ sỹ Thanh Bùi đã chia sẻ lòng mình khi ô nhiễm môi trường đã đến hồi gióng chuông báo động.

Những ngày tổ chức Change gây chú ý với bộ ảnh “Tôi không thể” (I can’t) hay chuyện cá chết hàng loạt ở bờ biển ngập tràn trên các mạng xã hội, mới hiểu vì sao khi đem môi trường trở thành chủ đề của cuộc trò chuyện, Thanh Bùi nói: “Chúng ta đang hỗn loạn vì đối mặt với quá nhiều vấn đề, mà quên đi cách giải quyết cho những vấn đề đó đang nằm trong mỗi chúng ta."

Thanh Bùi: “Chúng ta đừng chỉ sống cho mỗi đời mình”
Sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, sau đó trở về Việt Nam lập nghiệp, Thanh Bùi có cơ hội tiếp xúc với hai nền văn hóa khác nhau. Hơn ai hết, anh nhìn rõ cuộc sống xoay chuyển quanh mình ở nhiều khía cạnh.

Chính vì lẽ đó, anh ngượng ngùng khi thấy một người Việt vứt rác trên đường bởi những nơi anh từng đặt chân đến như Nhật Bản hay Singapore, chỉ cần một mẩu giấy rớt xuống vỉa hè, chính người dân nơi đó đã cất lời nhắc nhở.

Người Việt còn quá rụt rè để lên tiếng cho cái xấu, hay chính họ đang thờ ơ chuyện chẳng liên quan đến mình? Nhưng chúng ta nên hiểu rằng: “Nếu bản thân mình không tôn trọng mình, thì làm sao có thể yêu cầu người khác tôn trọng mình.”

Đó là lý do tại sao, không ít người nước ngoài cư xử văn minh ở các quốc gia khác, nhưng đến Việt Nam họ chẳng ngại hút thuốc ở nơi công cộng hay tiện tay vứt rác xuống đường. Vì chính bản thân người Việt cũng hành động tương tự ngay trên đất nước mình.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân Thanh Bùi thành lập Học Viện Âm Nhạc và Trình Diễn Nghệ Thuật SOUL(SMPAA), không chỉ đơn thuần vì tình yêu với nghệ thuật mà anh muốn dùng âm nhạc để giáo dục con người. Học âm nhạc không phải để trở thành ca sỹ, nghệ sỹ mà để trở thành một con người hoàn thiện.

Thanh Bùi hiểu một đứa trẻ hư không phải do bản chất mà do môi trường xung quanh. Anh chỉ mong bản thân mình góp một phần sức vào việc giáo dục thế hệ tương lai để Việt Nam rồi đây sẽ khác hơn.

Tại SMPAA, các bài học không chỉ liên quan đến bảy nốt nhạc mà còn là những chuyện nhỏ tưởng rằng vụn vặt hằng ngày. Anh dạy những cô, cậu học trò của mình cách chia sẻ, cách cư xử với người khác hay nhắc các em tôn trọng không gian chung khi ở nơi đông người, cách giao tiếp với nhau bằng trái tim và tâm hồn. Và cả việc tắt các thiết bị điện khi không cần thiết cũng trở thành cái nếp phải quen của bất kỳ cá nhân nào khi bước vào SMPAA ngay từ những ngày đầu.

Là một trong tám nghệ sỹ hóa thân vào bộ ảnh “Tôi không thể” của Change, không ít người tò mò, việc anh tham gia vào chiến dịch môi trường thì có liên quan gì đến công việc anh đang theo đuổi.

Anh chỉ cười: “Thanh thấy quá liên quan đấy chứ. Công việc và đam mê của Thanh vẫn là giáo dục. Giáo dục ở Việt Nam vẫn tạo cho con người những quan niệm nhầm lẫn. Như chúng ta thường nghĩ phải giỏi toán lý hóa mới là tốt, nhưng khi một con người tài giỏi chỉ biết giữ sạch sẽ khi ở nhà nhưng lại xả rác khi ra ngoài đường, thì đó có được xem là một sự giáo dục thành công? Thanh dùng âm nhạc để giáo dục con người, để các em hiểu, giữ sạch, giữ đẹp không chỉ gói gọn chỗ em ở, ăn, ngủ, học hành mà còn là không gian rộng lớn bên ngoài, là môi trường sống chung của tất cả mọi người. Cũng vì bảo vệ môi trường là chuyện chung nên sẽ có cá nhân bảo: 'Một mình thì làm được cái gì.' Nhưng đừng vì vậy mà chúng ta không làm gì. Mọi người nên tự nhìn nhận và thay đổi bản thân mình trước khi đòi hỏi xã hội và người khác phải thay đổi. Từ đó, Thanh cũng dạy những học trò của mình để các em hiểu rằng điện có từ đâu, tài nguyên thì có hạn và thiên nhiên cũng biết giận dữ.”

Làm bố mẹ ai cũng muốn con cái mình sống trong điều kiện tốt. Họ gửi con ở những ngôi trường đắt tiền, dành dụm chắt chiu để con mình được ăn phần ngon nhất. Nhưng quên rằng con trẻ cũng cần một bầu không khí để trong lành để thở, cần một bờ biển sạch để dạo chơi.

Bố mẹ có lo lắng không khi báo đưa tin khí trời Hà Nội nhiễm thủy ngân, còn đôi chỗ ở Sài Gòn nồng độ chì lại quá mức cho phép. Viễn cảnh mỗi người đều phải mang một mặt nạ phòng độc là hình ảnh có thể thành hiện thực, nếu mỗi người lớn cứ thờ ơ với việc bảo vệ môi trường của mình hôm nay. Dẫu rằng, có một sự thật mình phải chấp nhận, dân mình còn nghèo, cái bụng chưa no, cái mặc chưa ấm sao đủ tâm tư nghĩ chuyện môi trường đang xấu đi. Đó là cái khó của một quốc gia đang phát triển nhưng chẳng phải vì khó mà mình không làm.

Trong một báo cáo gần đây cho biết, năm 2030 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 85 triệu tấn than để phát điện thì con số người chết vì nhiệt điện than tăng lên 25.000 người. Nên những hành động tưởng chừng như rất nhỏ hàng ngày như tắt bớt một bóng đèn, đi bộ một đoạn, vứt rác đúng nơi quy định cũng là cách bảo vệ bầu khí quyển này

“Qua chiến dịch của “Tôi không thể” do Change phát động, Thanh mong mọi người có thể nhìn xa trông rộng hơn. Chúng ta đừng chỉ sống cho mỗi đời mình, mà hãy hành động vì cuộc sống của con cháu mình mai sau,” Thanh Bùi chia sẻ

TTXVN