Thứ Bảy

Phú Thọ: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thời gian qua, ngành du lịch Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực quảng bá hình ảnh quê hương, con người Phú Thọ đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần tạo nên những chuyển biến bước đầu. Tuy nhiên, hoạt động du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Chính vì thế, Phú Thọ đã và đang có nhiều chính sách đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện 3 khâu đột phá của tỉnh.

Phú Thọ hiện có trên 1.372 di tích văn hóa, lịch sử và các địa điểm liên quan đến di tích. Trong đó, có một di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (Khu di tích lịch sử Đền Hùng); 72 di tích cấp quốc gia; 209 di tích cấp tỉnh; 260 lễ hội mang nét văn hóa đặc trưng vùng đất Tổ. Ngoài ra còn có rất nhiều loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo như hát Xoan, hát ghẹo, cùng các lễ hội: Hội Phết - Hiền Quan, hội bơi chải - Bạch Hạc, chọi trâu - Phù Ninh… Giai đoạn 2010-2015, nguồn lực đầu tư cho du lịch mà Phú Thọ huy động được tăng 10%. Năm 2015, tỉnh đón và phục vụ khoảng 7,5 triệu lượt du khách; doanh thu từ du lịch đạt khoảng 49,8 triệu USD.

Phú Thọ: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Dựa trên tiềm năng và thế mạnh vốn có của mình, tỉnh đã ra sức phát triển du lịch cả về quy mô và chất lượng. Hệ thống các di tích, danh thắng; các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể… được khai thác có hiệu quả.

Chiến lược phát triển du lịch Phú Thọ được xây dựng dựa trên định hướng phát triển du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc bộ, quy hoạch mở rộng vùng Thủ đô và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch các ngành kinh tế khác của tỉnh.

Đồng thời phải tiến hành phát triển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng bền vững; gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường. Chủ trương phát triển du lịch văn hoá và sinh thái với việc lấy du lịch văn hoá làm trọng tâm để phát huy có hiệu quả tài nguyên du lịch của tỉnh.
Phú Thọ có nhiều lễ hội văn hóa mang ý nghĩa tâm linh, dân tộc sâu sắc.
Tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đón được 10 nghìn lượt khách du lịch quốc tế và 8,2 triệu lượt khách nội địa, đạt mức tăng trưởng bình quân của khách lưu trú 9,85%/năm, khách quốc tế 10,7%/năm; GDP du lịch đạt 54,3 triệu USD, 2,68% GDP toàn tỉnh, tăng trưởng trung bình đạt khoảng 14,7%/năm. Trong đó chú trọng phát triển du lịch gắn với văn hóa, sinh thái.

Để đưa du lịch nhanh chóng phát triển và khai thác các tiềm năng vốn có hiệu quả hơn, Phú Thọ đang có những nỗ lực mới, đẩy nhanh tiến độ các dự án phục vụ phát triển kinh tế của cả vùng và phục vụ du lịch lễ hội: triển khai quy hoạch chi tiết khu du lịch Đầm Ao Châu - Hạ Hòa, khu du lịch Văn Lang - Việt Trì, khu du lịch phía Nam Đền Hùng, khu du lịch Bạch Hạc - Bến Gót, khu du lịch Núi Trang, khu du lịch Nước khoáng nóng Thanh Thủy, khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn; nâng cấp hệ thống nhà nghỉ, khách sạn mang dáng dấp đặc trưng của vùng trung du và là điểm nhấn tạo cảnh quan kiến trúc đặc trưng của vùng trung du trong lòng thành phố du lịch - lễ hội. Nhiều tuyến, điểm du lịch mới đi vào hoạt động đã tạo sức hút lớn đối với du khách thập phương.
Phú Thọ cũng là nơi lưu giữ hệ thống các di sản quý giá từ thời Hùng Vương.
Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chủ trương chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa cũng như huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh, các thành phần kinh tế đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng, cải tạo và đầu tư nâng cấp các công trình văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; phát triển du lịch văn hoá và sinh thái làm trọng tâm.

Đồng thời phát triển các tour, tuyến gắn với nâng cao chất lượng phục vụ các điểm du lịch; phát triển nhiều hình thức du lịch mới như famtrip; đào tạo và hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, doanh nhân du lịch… phấn đấu xây dựng Phú Thọ thành trung tâm du lịch về cội nguồn, du lịch văn hóa truyền thống, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với hạt nhân là Đền Hùng, thành phố lễ hội Việt Trì, hệ thống các di tích gắn với giá trị văn hóa thời kỳ Hùng Vương.

Phú Thọ đã và đang mời gọi các nhà đầu tư hình thành hệ thống hạ tầng then chốt tại bốn trung tâm du lịch trọng điểm; cùng với các công trình trọng điểm như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cầu Hạc Trì (đã đưa vào sử dụng), cầu Việt Trì - Ba Vì đang được thi công...

Nhờ những việc làm thiết thực, hiện nay du lịch đã góp phần tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân trong tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, du lịch Phú Thọ có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương, trở thành địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của vùng và cả nước.

Nguyễn Nhung/ Báo Xây Dựng