Chủ Nhật

Gần 200 ngàn người có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp trong quý 1/2016

Vẫn còn tới hơn 1 triệu người trong đội tuổi lao động thất nghiệp, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của nhóm có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học cũng đang chiếm tỷ lệ cao.

Thông tin này được ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội công bố tại hội thảo cập nhật bản tin thị trường số 9, do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với Tổng cục thống kê tổ chức chiều 26/5.

Nếu tính theo trình độ đào tạo, thì có 190,9 nghìn người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp. Con số này với trình độ cao đẳng chuyên nghiệp là 118,9 nghìn người; 10 nghìn người có trình độ cao đẳng nghề; 60,2 nghìn người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp; 17,5 nghìn người có trình độ trung cấp nghề; 32,3 nghìn người có trình độ sơ cấp nghề và 11,2 nghìn người có chứng chỉ nghề dưới 3 tháng. 
Thêm hơn 20 ngàn người thất nghiệp

So với quý 4/2015 thì tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý 1/2016 có giảm, trong khi số người có việc làm giảm 211,12 nghìn người; số lượng và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.

Tuy nhiên, theo ông Đào Quang Vinh, điểm sáng cùa thị trường là tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tiếp tục tăng, đạt 44,1%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị và thất nghiệp thanh niên đã có phần giảm so với cùng thời kỳ năm trước.

Cụ thể, quý 1/2016, cả nước có 53,29 triệu người có việc làm, trong đó khu vực thành thị có 16,88 triệu người.

So với cùng kỳ 2015, số người có việc làm đã tăng 859,08 nghìn người, trong đó khu vực thành thị tăng 490,49 nghìn người.

Trong quý 1/2016, cả nước có hơn 1 triệu  người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 20,7 nghìn người so với quý 4/2015 và giảm 87,5 nghìn người so với cùng kỳ năm 2015.

So với quý 4/2015, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giảm còn 1,95%; khu vực thành thị giảm còn 3,08% (so với 3,15% của quý 4/2015).

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của nam và khu vực nông thôn tăng nhẹ lên tương ứng là 2,50% và 1,83%.

Đặc biệt nhóm thanh niên ở lứa tuổi 15-24 tuổi có 540,7 nghìn người thất nghiệp, giảm 18,7 nghìn người so với quý 4/2015, nhưng vẫn chiếm đến 50,4% tổng số người thất nghiệp.

Nếu tính theo trình độ đào tạo, thì có 190,9 nghìn người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp.

Con số này với trình độ cao đẳng chuyên nghiệp là 118,9 nghìn người; 10 nghìn người có trình độ cao đẳng nghề; 60,2 nghìn người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp; 17,5 nghìn người có trình độ trung cấp nghề; 32,3 nghìn người có trình độ sơ cấp nghề và 11,2 nghìn người có chứng chỉ nghề dưới 3 tháng.

Thu nhập bình quân tiếp tục tăng

Bản tin cập nhật thị trường lao động quý 1/2016 cũng cho biết, thu nhập của lao động làm công hưởng lương tiếp tục tăng; chênh lệch thu nhập giữa các nhóm tăng lên.

Quý 1/2016, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,09 triệu đồng, tăng so với quý 1/2015 là 189 ngàn đồng (3,8%) và tăng so với quý 4/2015 là 417 nghìn đồng (8,94%).

Nguyên nhân khiến cho thu nhập của lao động tăng lên, theo giải thích của ông Vinh, là do quý 1/2016 có thưởng Tết (mức thưởng Tết năm 2016 được đánh giá cao hơn Tết năm 2015), cũng như áp dụng điều chỉnh tiền lương tối thiểu 2016.

Xét theo nghề, nhóm quản lý, chuyên môn kỹ thuật bậc cao và thợ vận hành máy móc có thu nhập cao nhất. Hầu hết các nhóm nghề đều có mức thu nhập cao hơn quý 1/2015 và quý 4/2015, trừ nhóm nghề “lao động kỹ thuật trong nông nghiệp” và “lao động giản đơn”.

“Đa số các ngành đều có thu nhập tăng so quý 1/2015 và quý 4/2015, riêng thu nhập ngành nông lâm thuỷ sản giảm so với quý 1/2015”, ông Vinh nhận xét.

Theo hình thức sở hữu, lao động trong các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có thu nhập bình quân tháng cao nhất (7,61 triệu đồng), tăng 754 nghìn đồng (11%) so với quý 1/2015 và tăng 1,4 triệu đồng (22%) so với quý 4/2015.

Quý 1/2016, có 24,4% lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhâp̣ thấp (dưới 3 triệu đồng/tháng) trong khi thu  thấp nhất thuộc khối tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác…) là 3,36 triệu đồng; khu vực FDI có mức thu nhập bình quân 6,12 triệu đồng.

Theo Vneconomy