Thứ Năm

Cử nhân nhảy chung cư tự tử vì không xin được việc

Đã tốt nghiệp được gần một năm, tuy nhiên vì không xin được việc nên nam thanh niên nghĩ quẩn tự tử.

Khoảng 13h ngày 17/5, một số người dân đang ngồi uống cà phê trong quán nước dưới tầng trệt ở lô A, chung cư Bàu Cát phát hoảng khi thấy một nam thanh niên rơi trên cao xuống đè bẹp chiếc xe hơi đang đậu ven đường tử vong tại chỗ.

Nạn nhân được xác định tên là Tú (23 tuổi), ngụ tại lầu 6, chung cư Bàu Cát nằm trên đường Thái Thị Nhạn (P.10, Q. Tân Bình, TP.HCM).

Hiện trường vụ việc
Ngay lập tức, người dân đã báo cho cơ quan công an quận Tân Bình. Sau đó lực lượng chức năng đã đến khám nghiệm hiện trường, tử thi và lấy lời khai các nhân chứng.

Theo những người hàng xóm của nạn nhân, Tú từng tốt nghiệp một trường đại học có tiếng ở TP.HCM, nhưng một năm nay vẫn chưa xin được việc. Nhiều người nghi ngờ rằng, có thể vì không xin được việc làm nên nam thanh niên đã nghĩ quẩn làm điều dại dột.

Trước đó, ở Bắc Ninh cũng có một trường hợp sinh viên tự tử vì ra trường không xin được việc. Sinh viên này có tên là P.T.T H (phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). H. học khoa Giáo dục thể chất (Trường ĐH TDTT Bắc Ninh), ra trường được 4 năm, mặc dù cầm tấm bằng giỏi trên tay nhưng vẫn thất nghiệp, cộng với việc hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nghĩ quẩn.

Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động mới nhất vào tháng 1/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động đang bị thất nghiệp, trong đó nhóm người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng.

Cụ thể, trình độ cao đẳng nghề thất nghiệp tăng gần 8%; trình độ cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp tăng trên 7,9%; trình độ đại học trở lên thất nghiệp tăng gần 4,9%, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm không có bằng cấp chỉ khoảng 2%.

Nhiều trường hợp do không xin được việc làm đúng chuyên ngành nên đã cất bằng một chỗ để "làm kỉ niệm". Họ đi làm những công việc lao động phổ thông như bưng bê ở các quán cafe, quán cơm; buôn đồng nát, chở xe ôm, bán trà đá... mặc dù nhiều ông cử bà nghè cầm trên tay tấm bằng giỏi.

Thậm chí, nhiều cử nhân, thạc sĩ còn giấu bằng đại học để đi học ngược lại, đăng kí vào các trường dạy nghề, trung cấp hòng chuyển việc, tìm kiếm ngành nghề có cơ hội dễ xin việc hơn.

Theo Công An TPHCM