Thứ Tư

Sự “bức xúc cao độ” của đại biểu trẻ nhất Quốc hội

Thậm chí, có lẽ khó có thể nói khác bằng hai chữ “bất bình” của ông Nguyễn Xuân Thủy, vị đại biểu trẻ nhất Quốc hội (ĐB Thủy sinh năm 1985) khi bản báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đã “không có một từ nào về giáo dục và đào tạo”.
DBQH Nguyễn Xuân Thủy
Nguyên văn đoạn đó, ông Thủy nói: “Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ của mình trong việc điều hành, chỉ đạo trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và đã có nhiều những thành tích, kết quả to lớn, nhưng không được nêu vào trong báo cáo.
Ví dụ như hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục ngày càng phát triển nhanh. Ví dụ như chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ví dụ như đội ngũ nhà giáo ngày được tăng nhanh về số lượng và cả về chất lượng, số lượng thạc sĩ, tiến sĩ nhà giáo của chúng ta ngày càng tăng.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã ban hành và thực hiện Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo của Việt Nam, trong báo cáo cũng không nêu những nổi bật lớn trong ngành giáo dục như vậy”.

Đây là một nhận xét xác đáng bởi công bằng, ngành giáo dục chưa đạt được như mong muốn của cử tri. Vẫn còn nhiều bất cập, từ chương trình, sách giáo khoa, tổ chức thi cử, công tác đào tạo…

Song, không thể phủ nhận nhiệm kỳ qua, ngành giáo dục có rất nhiều nỗ lực và đã có những thành công đáng kể.
Đó là ngành đã và “đang âm thầm làm cuộc cách mạng trong giáo dục” như lời GS Hồ Ngọc Đại mà ở đó, là hàng loạt những thay đổi từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy… đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt là Đề án cải cách căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo đang gặt hái được những thành công bước đầu rất đáng ghi nhận.

Đó là những nỗ lực, là sự trăn trở, vật vã của ngành giáo dục nói chung, lãnh đạo Bộ GDĐT nói riêng. Sự vất vả, hy sinh, dám hành động này rất cần cho một cuộc "cách mạng" của ngành, bởi bất cứ sự đổi mới nào cũng cần những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa XI đã đánh giá Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm tốt những đổi mới, như đổi mới về công tác thi cử, kiểm tra, đổi mới về chương trình và sách giáo khoa Trung học phổ thông, đổi mới về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên...

Không biện minh, né tránh, vị đại biểu trẻ này cũng đặt thẳng vấn đề một em thí sinh thuê xe cứu thương để thay đổi nguyện vọng, một số trường top đầu thay đổi điểm chuẩn để thí sinh phải thay đổi nguyện vọng xin rút gây tắc nghẽn và bất cập trong giáo dục là một tỷ lệ rất nhỏ, “Không thể vì hiện tượng xã hội mà chúng ta đánh giá sai hoặc không chính xác về công lao, vai trò ngành giáo dục nước ta nhiệm kỳ khóa vừa rồi”. Ông Thủy nói.

Không dừng ở đó, ĐB Thủy đặt vấn đề nếu không có người thầy giỏi sẽ không có học trò giỏi, trong khi đó “hầu hết các bạn học sinh khá, giỏi đều chọn vào các trường công an, quân đội, các trường y, còn riêng đối với các trường sư phạm, tuyển sinh rất khó và tuyển sinh đầu vào rất thấp… Nếu chúng ta cứ tuyển sinh chất lượng học sinh thấp như thế này trong sư phạm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục. Trong giáo dục, yếu tố, vai trò quan trọng nhất là con người, chính là đội ngũ nhà giáo”. Vì thế, ĐB Thủy đề nghị phải thực sự thay đổi, cải cách chế độ cho nhà giáo và mong muốn “Quốc hội và Chính phủ khóa 13 phải trân trọng và nêu thêm trong báo cáo”.

Có thể nói, những bức xúc của ĐB Thủy là có cơ sở bởi thưởng phạt phân minh chính là để tạo sự công bằng, dân chủ.
Những sai sót của ngành giáo dục cần chấn chỉnh và ngược lại, những đóng góp của ngành cũng cần được ghi nhận một cách thỏa đáng.

Hi vọng rằng những thành tựu của ngành giáo dục cũng như những yếu kém sẽ được bổ sung và việc “không có một từ nào” trong báo cáo là một thiếu sót đối với không chỉ ngành giáo dục.

Bùi Hoàng Tám/Dantri