Thứ Hai

Phú Thọ: Nhiều dự án nghìn tỷ đắp chiếu

Được đầu tư tiền tấn với hi vọng thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh, tuy nhiên, nhiều công trình, dự án ở tỉnh Phú Thọ đã gây ra tình trạng lãng phí khiến người dân rất bức xúc.

Phú Thọ: Nhiều dự án nghìn tỷ đắp chiếu
1.400 tỷ đồng phơi nắng 

Với tổng nguồn vốn gần 1.400 tỷ đồng, Dự án Cụm nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol tại cụm công nghiệp Cổ Tiết, huyện Tam Nông từng được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến của nguồn nguyên liệu sắn không chỉ của riêng tỉnh này mà còn cả vùng trung du miền núi phía Bắc, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, trớ trêu thay, đã nhiều năm trôi qua, dự án vẫn nằm đắp chiếu, khối tài sản khổng lồ nằm phơi nắng phơi mưa. Cụm nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 12/8/2008 với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng và do Cty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí đầu tư trên diện tích gần 50ha đất nông nghiệp của các xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương (huyện Tam Nông).

Dự án được xây dựng theo hình thức tổng thầu (EPC) giữa chủ đầu tư với liên doanh PVC-Alfa Laval (Ấn Độ) và đã hoàn thành trên 78% khối lượng công việc, trong đó, phần xây lắp các bộ phận chủ yếu của nhà máy như nhà máy chính, phân xưởng cấp nước, phân xưởng nước thải, nhà nghiền, lò hơi, tháp làm mát, thiết bị làm lạnh; máy phát điện dự phòng, nhà ở công nhân đã được thi công cơ bản, trong đó phần mua sắm máy móc, lắp đặt thiết bị đạt khoảng 90% khối lượng.

Cùng với xây lắp nhà máy, giai đoạn 2011-2012, Cty đã triển khai hợp đồng chuyển giao kỹ thuật để phát triển vùng nguyên liệu chủ yếu cây sắn ở một số địa phương, xây trạm bán xăng… Thế nhưng từ cuối năm 2011 đến nay, dự án đã dừng thi công, toàn bộ hệ thống nhà xưởng tạm thời đóng cửa, thuê lực lượng bảo vệ, bố trí một số người bảo dưỡng.

Hiện tại, cổng vào nhà máy luôn đóng cửa im lìm, cơ sở hạ tầng xuống cấp, hoen gỉ, nhếch nhác. Cỏ mọc bao phủ khắp khối nhà xưởng, máy móc khổng lồ. Khỏi phải nói hết những bức xúc của người dân địa phương. Họ đã nhường đất sản xuất của mình để xây dựng nhà máy, những tưởng sẽ thay đổi bộ mặt địa phương, nhưng không ngờ lại lâm vào tình trạng bi đát như vậy.

Xin được nhắc lại rằng, thời điểm UBND tỉnh Phú Thọ thu hồi đất sản xuất của người dân để phục vụ dự án này đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư liên tục thúc ép bàn giao mặt bằng thi công, trong khi người dân ra sức bảo vệ bờ xôi ruộng mật của mình. Hàng loạt đơn thư vượt cấp được gửi đi khắp nơi và diễn ra trong một thời gian dài. Cuối cùng chính quyền địa phương phải sử dụng biện pháp cưỡng chế thi công để hỗ trợ nhà đầu tư lấy mặt bằng, vậy mà bây giờ dự án cứ bỏ hoang, nằm trơ trơ như một xác chết khổng lồ.
Phú Thọ: Nhiều dự án nghìn tỷ đắp chiếu
Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Thọ, cho biết: Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol có vấn đề. Tỉnh Phú Thọ qui hoạch 8.000 ha trồng sắn, tất nhiên, theo kế hoạch, dự án này thu gom nguyên liệu ở các tỉnh khác trong khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh Phú Thọ cũng có ý chờ nhưng mà trì trệ quá. "Hiện tại Phú Thọ vẫn chốt ở con số 8.000 ha chứ không dám mở rộng thêm vì dự án này không biết sẽ như thế nào", ông Trần Tú Anh nói.

Trong khi đó, tại nhiều cuộc họp với các bộ, ngành Trung ương, ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phản ánh nỗi lo của người trồng sắn "củ sắn càng to người dân càng lo", bởi từng có thời gian hàng vạn nông dân liên quan đến vùng nhiên liệu phải ngồi khóc trên đống sắn khi trồng ra rồi không biết bán cho ai.

Trái ngược với những lo lắng về thực trạng dự án của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo ngành nông nghiệp Phú Thọ, ngày 1/2/2016, chủ đầu tư là Cty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí tiếp tục có văn bản xin được giãn tiến độ dự án. Đây là lần thứ ba chủ đầu tư xin giãn tiến độ với thời gian 24 tháng.

Những công trình bỏ hoang 
Trong quá trình xây dựng NTM, từ năm 2011, Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Phú Thọ) đã chọn 2 xã Đồng Luận (huyện Thanh Thủy) và Sơn Dương (huyện Lâm Thao) để xây dựng các trạm xử lý rác thải với nguồn kinh phí 4 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Thọ, những công trình này được xây dựng xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương, tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không phải vậy. Bởi hiện tại, cả hai công trình này đều chung số phận nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, gây lãng phí và khiến người dân địa phương bức xúc.
Phú Thọ: Nhiều dự án nghìn tỷ đắp chiếu
Trạm xử lý rác thải của xã Đồng Luận được xây dựng trên diện tích gần 2.000m2, tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Nhà chính của khu xử lý được xây dựng theo kiểu nhà công nghiệp nhẹ; lò xử lý rác, nhà trực sản xuất, hệ thống sân, cổng, tường rào, điện, nước, chống sét…

Quy mô là vậy, hoành tráng là vậy, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, người dân địa phương bức xúc phản ánh: Từ lúc hoàn thành vào năm 2013 đến nay, công trình này vẫn chưa từng một lần được hoạt động. Do đó, không chỉ bản thân nhà rác bị bỏ hoang, mà cả các hệ thống đi kèm khác như xe chở rác, thùng phân loại... có tổng giá trị hàng trăm triệu đồng mua về cũng bị bỏ xó.

Hiện tại, trạm xử lý rác thải tiền tỷ đóng im lìm, khóa chặt bằng một ổ khóa rỉ sét, cỏ dại um tùm tứ phía, phủ kín những kẽ nứt cắt chằng chịt. Cả khu vực nhà xưởng bỏ trống không, không cửa bảo vệ, trong khi kính ở các ô thông gió đều vỡ nát; hệ thống song sắt của các cửa sổ bị mất hoặc han gỉ, bẻ cong; đường ống dẫn nước mái vỡ dập, treo lơ lửng; hệ thống bảng điện bị cậy còn trơ các đầu dây chưa được đấu nối.

Tương tự là trạm xử lý rác thải thứ ở xã Sơn Dương (huyện Lâm Thao). Sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng, công trình giá trị 2 tỷ đồng này đã xử lý rác được một lần, tuy nhiên lại không cho ra được thành phẩm phân vi sinh như mong đợi. Công trình bỏ xó, còn mặt bằng rộng rãi thì được tận dụng làm nơi tập kết rác, trung chuyển đi nơi khác.

Ông Đồng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Đồng Luận thừa nhận thực trạng thảm hại của dự án xây dựng trạm xử lý rác tại địa phương và cho biết thêm, do công trình không thể đưa vào hoạt động nên hiện nay, vẫn theo lệ cũ, toàn bộ rác thải của xã sau khi thu gom đều được chở thẳng về thị trấn La Phù của huyện Thanh Thủy để xử lý.

Còn ông Đỗ Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Sơn Dương giải thích, do lượng rác hữu cơ đưa vào ủ quá ít, không đủ sinh khí, tạo nhiệt nên rác không thể phân hủy được, dẫn đến thất bại hoàn toàn. Thêm vào đó, do thói quen sinh hoạt nên việc phân loại rác ngay tại các hộ gia đình đã không thể thực hiện được. Việc phân loại rác sau khi tập kết cũng gặp rất nhiều khó khăn do người ít, thiếu kinh phí hoạt động, do đó rác vẫn phải chuyển đi nơi khác để xử lý. Xung quanh 2 công trình tiền tỉ kém hiệu quả này, đại diện đơn vị chủ đầu tư, bà Nguyễn Thị Bạch Kim, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Phú Thọ) phân trần rằng, đơn vị đã nắm được tình hình và vẫn đang cùng các xã lên phương án để khắc phục, giải quyết.

Hoàng Anh/Nongnghiep.vn