Thứ Tư

Nguyên tắc và thời gian vàng để cứu sống người bị đột quỵ

Nguyên tắc hàng đầu để cứu sống bệnh nhân đột quỵ là thời gian cấp cứu. Bệnh nhân được can thiệp trước 6 giờ đầu sẽ có khả năng phục hồi cao hơn. Các phương pháp cấp cứu được chia sẻ rầm rộ trên mạng trong thời gian vừa qua như chích máu ở 10 đầu ngón tay, lấy kim chích vào dái tai… không những lãng phí thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân mà còn có thể gây nhiễm trùng.

Chiều 12.4, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, bệnh viện vừa can thiệp, cứu sống một bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong giai đoạn trễ. Tuy bệnh nhân được cứu sống nhưng để lại di chứng nặng nề. Từ trường hợp này, các bác sĩ cảnh báo về nguyên tắc và thời gian vàng trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ.

Nguyên tắc và thời gian vàng để cứu sống người bị đột quỵ
Ông Trần.V.H (64 tuổi, ngụ ở tỉnh Sóc Trăng)  được người nhà chuyển đến Bệnh viện Đại học Y dược trong tình trạng hôn mê sâu, điểm tri giác chỉ còn 8/15. Người nhà cho biết, trước đó, ông Hem đang ngồi trên võng thì bỗng dưng ngã xuống đất, cơ mặt bị méo. Gia đình lập tức đưa đến bệnh viện tuyến huyện gần nhà. Sau đó, bệnh viện này chuyển thẳng bệnh nhân lên Bệnh viện Cần Thơ điều trị. Bệnh nhân được xử lý bước đầu, thông mạch nhưng không thành công nên lại chuyển lên một bệnh viện ở TPHCM.

Sau khi điều trị nội khoa ở đây được 4 ngày, người nhà xin chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Tại đây, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, Tim mạch đã hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh trong bên trái, kèm bệnh lý tim mạch – rung nhĩ, có tình trạng thoát vị não. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong. Các bác sĩ ở đơn vị Đột quỵ của bệnh viện đã tiến hành gấp ca mổ giải áp cho bệnh nhân. Ông H được cứu sống, tuy nhiên, do trước đó không được can thiệp sớm nên có di chứng để lại – bị mất khả năng ngôn ngữ.

Từ trường hợp điển hình này, TS.BS Trần Chí Cường Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TPHCM cho rằng, việc điều trị hiệu quả cho bệnh nhân đột quỵ rất cần một chiến lược và có sự phối hợp của các bác sĩ chuyên khoa, đưa ra những can thiệp sống còn cho bệnh nhân. Theo bác sĩ Chí Cường, điều quan trọng nhất là cấp cứu người bệnh tắc nghẽn mạch máu lớn trong 6 giờ đầu được can thiệp nội mạch: “Bệnh nhân đột quỵ tắc động mạch lớn mỗi phút có 2 triệu tế bào thần kinh bị mất đi, nếu sau 6 giờ thì các phương pháp điều trị tái thông mạch máu sẽ không còn hiệu quả”.

Thời gian qua, trên mạng xã hội facebook đã xuất hiện một số bài viết về phương pháp cấp cứu cho bệnh nhân bị đột quỵ như dùng kim chích máu ở 10 đầu ngón tay, ở dái tai. Các bài viết này được chia sẻ rầm rộ. Th.S, BS Nguyễn Bá Thắng, Phó trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, đột quỵ gồm 2 dạng là xuất huyết não và nhồi máu não, trong đó nhồi máu não chiếm 70-80% các trường hợp. Bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để thông mạch máu lên não càng sớm càng tốt.

Với cả hai dạng này, phương pháp sơ cứu bằng cách chích máu ngón tay hay dái tai  đều không có cơ sở khoa học, không giúp tác động đưa máu lên não cho bệnh nhân. Ngược lại, việc dành quá nhiều thời gian cho hành động cấp cứu này không những không có tác dụng gì mà còn làm lãng phí thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân bị chích ngón tay, dái tai bằng dụng cụ bẩn, không được khử trùng cẩn thận cũng có thể gây nhiễm trùng.

Bác sĩ Thắng nhấn mạnh, bệnh đột quỵ không có biểu hiện sớm để phòng bệnh. Một khi bệnh nhân đã có biểu hiện tức là tình trạng đột quỵ đã xảy ra. 3 dấu hiệu phổ biến và dễ nhận biết nhất khi bệnh nhân bị đột quỵ là đột ngột méo miệng, cơ mặt thay đổi không cân xứng, tay chân yếu, giọng nói thay đổi. Khi thấy bệnh nhân có biểu hiện trên, cách xử lý bước đầu mà người nhà có thể làm là tránh để bệnh nhân té ngã gây tổn thương não. Sau đó, đưa bệnh nhân đến bệnh viện để bác sĩ can thiệp càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, vấn đề nan giải ở đây là hiện nay cả nước chưa có quá 10 bệnh viện có thể cấp cứu, can thiệp, điều trị hiệu quả được bệnh đột quỵ. Bệnh nhân vẫn phải điều trị lòng vòng, lãng phí thời gian vàng để can thiệp nên khả năng tử vong và để lại di chứng tàn tật cao. Theo Hội đột quỵ Hoa Kỳ, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, là nguyên nhân gây tàn phế đứng hàng thứ nhất. Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y Tế hàng năm nước ta có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ với tỷ lệ tử vong khá cao.

Box:  Tháng 5.2016, Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của Đại học Y dược kết hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Hội Can Thiệp Thần kinh TPHCM sẽ khởi động khóa đào tạo đầu tiên về bệnh đột quỵ cho các bác sĩ trên cả nước. Song song với việc đào tạo nguồn nhân lực về bệnh đột quỵ, Trung tâm sẽ đẩy mạnh việc đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện, trung tâm y tế ở các tỉnh, thành trong cả nước công nghệ can thiệp đột quỵ trên máy DSA (lấy huyết khối, lấy cục máu đông trong não) - đây là một trong những giải pháp điều trị tiên tiến có hiệu quả cao về bệnh đột quỵ hiện nay.

Bệnh nhân bị đột quỵ được cứu sống nhưng để lại di chứng do không được can thiệp sớm

Theo Lao Động