Thứ Sáu

Người dân cả nước đổ về đền Hùng bái tổ

Dù đi ngược về xuôi, hàng triệu người dân nhớ ngày giỗ Tổ lại về Phú Thọ lễ bái các vua Hùng. Nhiều cụ già gần 80 tuổi vẫn háo hức leo hơn 500 bậc thang lên đến đền Thượng trên đỉnh núi để thắp hương.

Chiều 15/4, trước ngày giỗ tổ chính thức mùng 10/3 Âm lịch 1 ngày, nhân dân khắp các tỉnh thành đổ về Phú Thọ dự ngày giỗ tổ. Ban tổ chức lễ hội đền Hùng cho biết, khoảng 5,5 triệu lượt khách về trước ngày chính giỗ. Dự kiến ngày mai, lượng khách sẽ tăng thêm khoảng 1,5 triệu người, nâng tổng số người về dự lễ lên 7 triệu người.

Gia đình anh Phùng Quang Ngọc từ miền Trung lên Việt Trì từ sáng. Đi đền Hùng vài năm, biết leo lên thăm các đền xong sẽ rất mệt nên họ mang theo chiếu, nước uống, đồ ăn để tiếp sức.
Đôi vợ chồng trẻ người Tuyên Quang đi cùng người thân xuống Việt Trì từ sáng sớm. Sau khi cho các con đi thăm thú, thắp hương ở các đền thì ngồi nghỉ chân cho đỡ mệt. "Chiều nay bọn mình về luôn, ngày mai chắc sẽ rất đông, sợ không chen chân nổi", người chồng cho biết.
Dòng người chen vai nhau leo hơn 500 bậc thang từ chân núi lên các đền trên núi để lễ bái. Đây là quần thể kiến trúc nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, dân gian gọi là núi Hùng, thuộc xã Hy Cương (TP Việt Trì, Phú Thọ). Quần thể bao gồm lăng Vua Hùng, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng. Tương truyền đây là nơi người con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ lên ngôi lấy niên hiệu Hùng Vương, đặt tên nước ta là Văn Lang.
Người dân đặt lễ, thắp hương ở đền Trung, còn gọi là Hùng Vương tổ miếu. Tương truyền đây là nơi các vua Hùng lập quán xá nghỉ ngơi, bài việc với lạc hầu. Cũng nơi đây, hoàng tử Lang Liêu - con trai của Hùng Vương thứ 6 dâng bánh chưng, bánh giày lên vua cha ngày Tết.
Người dân lễ bái trước đền Thượng, đây là ngôi đền nằm ở vị trí cao nhất của núi Hùng. Đền Thượng là nơi các vua Hùng làm lễ tế trời đất, thần núi, thần lúa. Đền Thượng còn có tên chữ là Kính thiên lĩnh điện hay còn gọi là Điện cầu trời, Điện ở giữa chín tầng mây. Trong đền có bức đại tự Nam Việt triệu tổ, nghĩa là Tổ khai sáng của nước Nam.
Nhiều người đứng ở ngoài chiêm bái hậu cung - nơi được cho là linh thiêng nhất đền Thượng.
Người dân bê đồ lễ từ dưới chân núi lên đền.
Bà Hoàng Thị Hạnh ở Thái Bình đã 78 tuổi, leo hơn 500 bậc thang vẫn tươi cười vì lên được đến đền Thượng. "Đây là năm thứ ba tôi đi đền Hùng rồi, giỗ tổ nên mình phải về thắp hương chứ", bà nói.
Dù có biển đề nghị du khách không ném tiền lẻ nhưng trong giếng Rồng thuộc di tích đền Giếng vẫn đầy tiền lẻ. Tương truyền, sau khi tổ mẫu Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở thành 100 người con trai đã dùng nước giếng này tắm cho các con. Năm 2002, các nhà khoa học tiến hành khai quật tại khu vực giếng cổ đã phát hiện trong lòng giếng những dấu tích văn hóa các thời kỳ Lý - Trần - Lê - Nguyễn.
Từ chân núi đi lên đền Thượng phải leo hơn 500 bậc thang nên dịch vụ gánh thuê đồ lễ rất đắt khách.
Nhiều gia đình thuê chiếu ngồi mát với giá 20.000 đồng/giờ. Vào 7h sáng ngày mai, mùng 10/3 Âm lịch sẽ có lễ dâng hương giỗ tổ Hùng Vương. Cùng với Phú Thọ, các địa phương trên toàn quốc có đền thờ vua Hùng, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương sẽ đồng loạt dâng hương. "Đây là điểm mới trong lễ giỗ tổ Hùng Vương năm nay. Đến năm 2017, nghi thức dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương có thể sẽ được Bộ VH-TT&DL mẫu hoá trên cả nước", bà Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Phú Thọ cho biết.
Theo VNexpess