Thứ Tư

Lai Châu: Hơn 300 tiểu thương kêu cứu vì nguy cơ mất "miếng cơm"

Hơn 300 tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Đoàn Kết (thuộc phường Đoàn Kết, thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu) có nguy cơ mất chợ - nơi để kiếm sống.

Ngày 7/4/2016, Báo PLVN nhận được đơn kêu cứu của các hộ dân kinh doanh tại chợ Đoàn Kết đứng tên đơn là bà Nguyễn Thị Thủy (tổ 3, phường Đoàn Kết, tỉnh Lai Châu) về việc tiểu thương chợ Đoàn Kết bị ép di dời tháo dỡ di dời chợ.

Chợ Đoàn Kết.
Theo đơn, bà Thủy trình bày chợ Đoàn Kết được xây dựng theo đúng quy hoạch của UBND tỉnh Lai Châu năm 2007 với diện tích 3.400m2 với hơn 300 hộ kinh doanh.

Đây là chợ đầu mối khá lớn của thành phố, nơi giao lưu buôn bán của người dân trong vùng và các dân tộc thiểu số. Các tiểu thương trong chợ khẳng định việc buôn bán không gây mất trật tự, hàng năm được kiểm tra PCCC 2 lần, không gây ô nhiễm môi trường, không gây cản trở ách tắc giao thông.

Hoạt động kinh doanh tại chợ diễn ra ổn định được gần 10 năm, cuộc sống của người dân nơi đây cải thiện nhiều và phát triển đi lên. Theo người dân chợ Đoàn Kết đang đi đúng định hướng ban đầu khi xây dựng chợ. Trong suốt quá trình chợ hoạt động các tiểu thương không hề nhận được bất cứ thông báo chợ Đoàn Kết là chợ tạm, nên các hộ kinh doanh đã tập trung vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố

Tháng 11/2015 các tiểu thương “nhặt được” tờ trình về việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đối với chợ phường Đoàn Kết số 179TT/UBND ngày 10/11/2015 do ông Nguyễn Văn Nghiệp – Phó chủ tịch thành phố ký và đóng dấu. Tờ trình này được rải khắp chợ như các tờ truyền đơn chứ không được đưa đến từng ki ốt.

Tờ trình đi sâu vào việc chợ Đoàn Kết xuống cấp và Trung tâm thương mại tỉnh được đầu tư quy mô đã đi vào hoạt động.

Điều này đã gây bức xúc cho các tiêu thương đang kinh doanh buôn bán tại chợ vì thứ nhất thực tế chợ được xây dựng kiên cố, cơ sở hạ tầng của chợ không hề xuống cấp như tờ trình đã nêu, thứ 2 hộ kinh doanh không được nhận bất kỳ thông báo nào về việc di dời, tháo dỡ chợ trước đó cho nên các hộ kinh doanh đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng để các ki ốt bán hàng được vững chắc và dài lâu.

Theo đơn thư “có đến 80% tiểu thương vay vốn ngân hàng để kinh doanh. Có người bỏ ra cả tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, có người thế chấp nhà để vay ngân hàng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của chợ, có người vừa mua bán chuyển nhượng chưa ráo mực thì nay nhận được thông báo chợ phải di dời. Nếu chợ dời đi thì chúng tôi lấy gì sống”.

Các tiểu thương tại chợ Đoàn Kết đặt ra câu hỏi: “UBND tỉnh là nơi đưa ra các quy định, định hướng làm sao để cho người dân sinh sống và phát triển tốt nhất.

Khi UBND tỉnh có quyết định như vậy họ có quan tâm đến người dân sẽ sống ra sao không? UBND tỉnh sẽ giải quyết như thế nào để cuộc sống người dân được ổn định lâu dài và phát triển?

Trong tờ trình của UBND tỉnh có đưa ra định hướng cho các tiểu thương là di chuyển đến kinh doanh tại trung tâm thương mại (TTTM) tỉnh Lai Châu. Được biết TTTM Tiến Mạnh là do công ty TNHH MTV Tiến Mạnh có địa chỉ tại Khu dân cư số 2, phường Tân Phong, thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu là chủ đầu tư xây dựng.

Các tiểu thương đặt ra nhiều câu hỏi “việc di dời chợ có phải một chủ trương vì dân hay đằng sau đó có nguyên nhân sâu xa hơn là lợi ích nhóm giữa các lãnh đạo tỉnh Lai Châu với công ty TNHH MTV Tiến Mạnh?”.

TTTM được đầu tư có quy mô, có nhiều điểm tốt phục vụ được nhu cầu của các tiêu thương. Ai sẽ là người quan tâm đến số tiền các tiểu thương đã đầu tư vào chợ? Khi di chuyển vào TTTM họ sẽ phải trả bao nhiêu để có được một ki ốt trong TTTM?” hiện tại UBND tỉnh và TTTM cũng đang mập mờ trong vấn đề giá cho thuê.

Việc kêu gọi nhà đầu tư theo chương trình xã hội hóa hoặc hợp tác công tư (BBP) đang được áp dụng công khai.

Vấn đề nâng cấp chợ theo quy hoạch đồng bộ các cơ sở hạ tầng hiện nay đang được nhiều tỉnh thành áp dụng trong đó có tỉnh Lai Châu. Nâng cấp các chợ nhỏ lẻ thành siêu thị, hay trung tâm thương mại.

Tuy nhiên chủ trương này không phải áp dụng cho tất cả các tỉnh thành đều mang lại sự thành công. Bởi mỗi tỉnh thành mỗi địa phương có một phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng và vật phẩm, giá trị kinh doanh khác nhau.

Việc các tiểu thương đang hoang mang và lo lắng đi gửi đơn kêu cứu đến khắp nơi cũng vì miếng cơm manh áo và cũng là một lẽ tự nhiên, nhưng việc này sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư cũng như chủ trương đầu tư, uy tín lãnh đạo của tỉnh Lai Châu.

Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin

Theo Pháp Luật Cộng