Thứ Năm

'Khối u' tham nhũng ngày một lớn dần trong sự cam chịu của người dân

Tham nhũng đã trở thành một khối u ác tính gây nhức nhối kinh niên trong xã hội, nhưng nó lại đang to dần lên và được "bình thường hóa" bởi sự chấp nhận sống chung với lũ, bất lực không biết lên tiếng ở đâu của người dân.

Tham nhũng kinh niên khiến dân phải chấp "nhận sống chung với lũ"

Bất kỳ chúng ta đi đâu, làm gì đều được nghe tới khẩu hiệu "chống tham nhũng", nhưng không phải không có cơ sở để PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển hỗ trợ cộng đồng đã phải lên tiếng đánh giá rằng, tình trạng tham nhũng vặt vẫn "loanh quanh", "giậm chân tại chỗ”.

Ai cũng biết tham nhũng ở đâu nhưng cán bộ lại không biết
Thậm chí, tình trạng ấy như một khối u ác tính gây nhức nhối kinh niên trong xã hội, nhưng nó lại đang to dần lên và được "bình thường hóa" bởi sự chấp nhận sống chung với lũ, bất lực không biết lên tiếng ở đâu của người dân.

Từ trong môi trường giáo dục, đến 32% số phụ huynh đều phải khẳng định rằng đều phải "bồi dưỡng" ngoài quy định cho các thầy cô giáo để con em mình được quan tâm hơn, đến trong môi trường nhà đất, đến 44% người muốn làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng phải sử dụng "thủ thuật bôi trơn" với cán bộ mới mong xong việc.

Tất cả những con số này đều được thống kê rõ ràng trong báo cáo chỉ số PAPI 2015 - Hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2015 vừa được công bố trong ngày hôm qua 13/4.

Kết quả phân tích dữ liệu báo cáo PAPI 2015 và so sánh qua báo cáo các năm cho thấy, hiệu quả quản trị và hành chính công ở Việt Nam có xu hướng suy giảm đáng kể, và thể hiện mức độ tham nhũng lớn cho đến tham nhũng vặt đều tệ đi.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất, song cũng đáng buồn nhất là chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đã giảm 3 điểm % so với năm 2014.

Chỉ một ví dụ đơn cử nhất, là việc giám sát sử dụng đất đai tại địa phương, theo thống kê chỉ có khoảng 12% số người dân trên toàn quốc là biết đến kế hoạch sử dụng thế nào, vào việc gì tại nơi mình sinh sống.

TS. Đặng Hoàng Giang, thành viên của nhóm nghiên cứu chỉ số PAPI cũng cho rằng, con số 88% người dân không được biết cũng không được giám sát đất đai tại địa phương mình chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới một dự án khổng lồ xây dựng trái phép giữa Vườn quốc gia Ba Vì mới bị "vạch mặt" khoảng đầu năm nay đã khiến cho biết bao người "ngã ngửa" vì bất ngờ.

Đây có thể coi là minh chứng điển hình về sự thiếu công khai, minh bạch trong quản trị và điều hành của chính quyền cấp tỉnh. Đáng buồn là dấu hiệu tiêu cực này đã có xu hướng gia tăng trong năm qua, và thậm chí còn tiêu cực hơn qua từng năm, tạo thành tính chất kinh niên của nạn tham nhũng.

Thậm chí là trong báo cáo, nghiên cứu đã chỉ ra người dân đang ngày càng chấp nhận sống chung với tham nhũng hơn, mức độ chịu đựng vòi vĩnh, hối lộ của người dân đã tăng dần lên theo thời gian.

Chính vì sự "chấp nhận sống chung với lũ" của người dân đang ngày càng phổ biến nên mức tiền bị vòi vĩnh cũng tăng lên, song tới một mức độ "không thể chịu đựng được nữa" mới dẫn tới tố giác tham nhũng.

Do đó, số tiền bị tố giác tham nhũng đang ngày càng tăng, và thậm chí là tăng đột biến trong năm 2015. Cụ thể nếu như năm 2011 - 2012, số tiền này dao động quanh mức 5,1 - 5,5 triệu đồng; năm 2013 - 2014 tăng lên 8,2 - 8,8 triệu đồng, thì năm 2015 đã vọt lên tận 23,7 triệu đồng.

Doanh nghiệp khốn khổ, doanh nhân nản lòng vì "chi phí không chính thức"

Chưa hết, trước đó, những con số nhức nhối về tình trạng tham nhũng cũng đã được đưa ra trong báo cáo về xếp hạng môi trường kinh doanh PCI 2015, mà trong đó nêu rõ ra thực trạng các doanh nghiệp nước ngoài đang phải gánh thêm một "quả tạ" mang tên là "chi phí không chính thức" - một cách nói để làm đẹp cho những khoản tiền bôi trơn, đi theo đường "dưới gầm bàn" để họ có thể yên ổn hoạt động, phát triển kinh doanh.

Hầu hết các doanh nghiệp FDI đều đánh giá Việt Nam là một điểm đến kinh doanh đầu tư rất an toàn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những rủi ro lớn mà tới 70% số doanh nghiệp này cùng đồng tình cho rằng, đó là những rủi ro xuất phát từ các "gánh nặng" trong việc thực hiện các quy định khi vận hành doanh nghiệp cũng như các cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý.

Họ cho biết rằng trong một năm, họ phải bỏ ra trên 5% quỹ thời gian để giải các thủ tục hành chính kinh doanh, rồi bị sách nhiễu khoảng trên dưới hàng chục lần thanh tra.

Theo khảo sát, 59% doanh nghiệp đã phải chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan, 66% doanh nghiệp cho rằng cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ pháp luật để đòi hỏi chi phí không chính thức.

Có tới 23% doanh nghiệp còn không muốn sử dụng tòa án khi có tranh chấp vì họ quan ngại về tình trạng “chạy án” trong quá trình giải quyết, thậm chí, có tới 39% doanh nghiệp cho biết, tổng chi phí không chính thức của họ phải bỏ ra lớn hơn 1% thu nhập mỗi năm.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, chi phí thực sự của tham nhũng không chỉ bao gồm các khoản bôi trơn trực tiếp như vậy, mà còn bao gồm cả hiệu quả mất đi khi nhà thầu được chọn lựa thực chất không dựa trên năng lực, mà là do "phong bì".

Tới gần 30% các doanh nghiệp FDI thừa nhận rằng họ đã phải trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư, 25% doanh nghiệp phải trả cả "hoa hồng" khi cạnh tranh giành hợp đồng thầu của cơ quan nhà nước.

Nhất là, đến gần 90% doanh nghiệp nước ngoài FDI cho biết rằng họ gặp đủ các "rào cản" trong quá trình đấu thầu, và chỉ đến khi họ chấp nhận trích hoa hồng mới mong có thể tháo bỏ được "rào cản" đó.

Chính việc này đã tạo nên một loại văn hóa trong việc các doanh nghiệp nước ngoài ký kết hợp đồng với cơ quan nhà nước, mà được họ "âu yếm" gọi với cái tên là "văn hóa chi trả hoa hồng". Song cũng chính vì tồn tại loại văn hóa này mà hàng bao nhiêu dự án, bao nhiêu hợp đồng không những không tiếp cận được với những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, mà chi phí chi trả còn cao hơn, chất lượng lại chẳng tốt hơn.

Chính ngay trong báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh PCI 2015 cũng đã phải khẳng định rằng, chính những "rủi ro" đó mà nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện đang phải hoạt động trong tình trạng "cảnh giác, dè chừng”.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận xét, điều đó phần nào lý giải được vì sao mà các doanh nghiệp ở Việt Nam cứ bé cỏn bé con mà không tài nào lớn lên nổi.

Cần nhìn thẳng vào sự thật và lấy làm điều đáng xấu hổ

Những con số đưa ra tại PAPI 2015 hay PCI 2015 đều là những kết quả đến từ việc điều tra được tiến hành với các đối tượng ngẫu nhiên và mang tính khoa học, do đó mức độ chính xác và khách quan có lẽ chẳng còn gì để bàn cãi. Quan trọng là, với những con số như vậy nhưng nhiều người lại không hề lấy làm bất ngờ.

Như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói về những chỉ số PAPI, bà cho biết: “Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam không phải là cái gì đáng ngạc nhiên nữa. Việc này ai cũng biết, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu, các bộ ngành, địa phương cũng nói nhưng chỉ có điều ai cũng kêu là khó chống tham nhũng quá. Chẳng qua, đây là sự khẳng định tiếp một sự thật bằng phương pháp điều tra hiện đại hơn, khoa học hơn mà thôi".

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 5 năm (2011-2016) ở Quốc hội sáng 1/4, đại biểu Lê Như Tiến (tỉnh Quảng Trị) nhấn mạnh: "Việc tạo lập môi trường sạch là nền tảng để cất cánh. Đây là nhiệm vụ nặng nề trao gửi cho Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ tới".

Thế nhưng, nhìn vào thực trạng thấy rõ, ông Tiến phân tích gay gắt: "Chúng ta tha thiết mời nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội nhưng những chủ trương, chính sách tốt đẹp thông thoáng lại bị khâu thực hiện lại bị những rào cản làm vô hiệu hóa".

Nhiều nơi còn làm khó nhà đầu tư bằng cách cắt cả điện, nước, rồi dựng rào, chắn cổng. Thanh tra, người thi hành công vụ thì vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn, đòi tiền lót tay, bôi trơn, làm doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng.

Cũng trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, nói về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, các đại biểu còn chua xót nói: "đất lành chim đậu, nhưng chim chưa kịp đậu đã nhậu hết chim”. Hay như "mời gọi nhà đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh".

Đó là những lời nhận xét hết sức thật và đủ khiến cho người ta phải suy nghĩ, thấy nhức nhối, chua xót đến nhường nào.

Nạn tham nhũng là cái mà những người đứng đầu Chính phủ đã nhìn thấy, các đại biểu cũng đã nói hết nước hết cái, song quan trọng nhất là ý kiến của người dân thì ít được để ý đến. Tức là nếu không có sự chỉ đạo, không có đề án của Chính phủ thì chính quyền các địa phương không làm.

Các đại biểu quốc hội cũng đã phân tích, điều này nói lên được thực tế là chính quyền còn chưa “sợ” dân, mà nói cách khác là dân chưa thực sự giữ vai trò “quan trọng” đối với chính quyền nhiều địa phương.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, người dân hiện chưa có một kênh nào để được thể hiện chính kiến một cách trực tiếp. Tuy nhiên thông qua chỉ số PAPI 2015 mới đây, người dân mới được đánh giá về tình trạng tham nhũng, còn ở những chỉ số thống kê khác thì toàn "tiếng nói" của các bộ ngành mà theo bà Lan là "toàn khen nhau thôi còn khuyết tật thì che giấu đi, bênh vực cho nhau".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng, mặc dù PAPI 2015 cho thấy việc kiểm soát tham nhũng chưa thực sự hiệu quả, người dân chưa hài lòng với chính quyền địa phương tuy nhiên không vì thế mà né tránh sự thật này.

“Việc công bố các chỉ số PAPI có thể ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam một phần nhưng theo tôi, uy tín thực sự của chính quyền địa phương chính là uy tín trong dân, xấu trước con mắt dân là những điều người lãnh đạo nên xấu hổ nhất”, bà Lan nói.

Trước thực trạng đáng báo động này, Chủ tịch nước tiếp xúc với cử tri thì tâm trạng đầy băn khoăn, trăn trở, Thủ tướng thì nói dù đau đớn cũng phải kiên quyết cắt bỏ ung nhọt tham nhũng. Phó chủ tịch nước cũng day dứt, họ ăn của dân không từ cái gì, còn đại biểu quốc hội cũng đầy một tâm tư lo âu, rằng quốc nạn có nguy cơ sẽ "hạ đo ván" cả quốc sách.

Thực trang tham nhũng lớn, tham nhũng vặt lan tràn đến mức người đứng đầu Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong kỳ họp Quốc hội vừa qua còn phải đặt câu hỏi: chạy chức, chạy quyền, cái gì cũng chạy, kể chạy cả... luân chuyển. Vậy chạy ai, ai chạy?

Câu hỏi này khiến cho không ít người phải cảm thấy băn khoăn, day dứt, mà như ông Lê Như Tiến cũng nói: "Chúng ta có cả một bộ máy để bảo vệ pháp luật lớn như thế mà vẫn phải nêu ra câu hỏi: Chạy ai, ai chạy như vậy".

Chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào sự thật, là cái gì bây giờ cũng “chạy”. Trong đề bạt bổ nhiệm phải “chạy” đề bạt lên chức lên quyền; trong giáo dục thì “chạy trường chạy lớp, chạy bằng, chạy cấp”, trong y tế phải “chạy” mới được vào chữa bệnh ở những bệnh viện có trình độ kỹ thuật khá... Rồi bây giờ lại còn cả khái niệm “chạy luân chuyển” nữa. Vậy trách nhiệm người đứng đầu các lĩnh vực ấy ở đâu?

Rõ ràng, tham nhũng đã là một vấn nạn "bất bình thường" trong xã hội, nhưng lại dần dần trở nên "bình thường hóa" với một tốc độ và mức độ ngày càng tăng lên. Do đó, đây sẽ là một trong những thách thức rất lớn đối với Chính phủ mới trong thời gian tới, khi mà nạn tham nhũng đang trở thành một căn bệnh mang lại những đau đớn hoành hành kinh niên cần phải chữa trị một cách triệt để.

Những người làm lãnh đạo không thể né tránh thêm nữa mà cần nhìn thẳng vào sự thật, mà như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nói, rằng "dù việc kiểm soát tham nhũng chưa thực sự hiệu quả, người dân chưa hài lòng với chính quyền địa phương, chỉ số PAPI có thể ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, nhưng trước hết uy tín của chính quyền địa phương bị méo mó, xấu xí đi trong con mắt người dân mới là điều khiến những người làm lãnh đạo phải lấy làm xấu hổ nhất".

Tiệp Tiệp VTCNews