Thứ Bảy

Du lịch Việt Nam sắp thành ngành mũi nhọn?

Với tốc độ tăng trưởng khách quốc tế là 7,2%/năm, nội địa là 5,3%/năm, nếu tình hình kinh tế-chính trị thế giới thuận lợi, đến năm 2016-2017, ngành du lịch Việt Nam sẽ đạt mục tiêu đề ra cho năm 2020, về đích trước từ 4 đến 3 năm.

Du lịch Việt Nam sắp thành ngành mũi nhọn?
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, thừa ủy quyền Thủ tướng gửi đến Quốc hội, trong báo cáo chung về hậu chất vấn của ngành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay.

Ngành “mũi nhọn”

Tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2013, câu hỏi đến năm 2020, du lịch Việt Nam có ngang tầm được khu vực không đã được nêu tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tuấn Anh.

Và câu trả lời từ Bộ trưởng là: “Trong chiến lược du lịch thì 2015 du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Còn có “ngang tầm khu vực” hay không thì Bộ trưởng không khẳng định.

Tại báo cáo này, Bộ trưởng cho biết, nhằm thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu của chiến lược là đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành “ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới”.

Chiến lược cũng nêu, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.

Các chỉ tiêu cụ thể là tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 11,5-12%/năm.

Năm 2015, Việt Nam đón 7-7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 36-37 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 10-11 tỷ USD, đóng góp 5,5-6% vào GDP cả nước.

Có tổng số 390.000 buồng lưu trú, với 30-35% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao, tạo ra 2,2 triệu việc làm trong đó có 620.000 lao động trực tiếp du lịch cũng nằm trong chỉ tiêu 2015 phải đạt được.

Theo chiến lược đến 2020 Việt Nam đón 10-10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47-48 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 18-19 tỷ USD, đóng góp 6,5-7% GDP cả nước; có tổng số 580.000 buồng lưu trú với 35-40% đạt chuẩn từ 3 đến 5; tạo ra 3 triệu việc làm trong đó có 870.000 lao động trực tiếp du lịch.

Và đến 2030, thì tổng thu từ khách du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020.

Kết quả thực hiện, theo báo cáo, năm 2013, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 7,57 triệu lượt, hoàn thành trước 2 năm mục tiêu đề ra cho năm 2015.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, du lịch Việt Nam đã đón gần 5,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 48,8 triệu lượt khách nội địa (khách lưu trú đạt 23,4 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch đạt 269.458 tỷ đồng.

Những con số này là cơ sở để Bộ trưởng Tuấn Anh lạc quan nhận định ngành du lịch Việt Nam sẽ đạt mục tiêu đề ra cho năm 2020, về đích trước từ 4 đến 3 năm.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ về lĩnh vực du lịch cho rằng báo cáo mới thống kê tổng lượng khách du lịch năm 2013, 2014 theo xu hướng tăng mà chưa nêu rõ những thách thức mà ngành du lịch đã và đang phải đối mặt trong thời gian tới.

Nhiều chữ “chưa”

Theo cơ quan thẩm tra thì để đạt được mục tiêu đề ra, ngành du lịch đang gặp phải nhiều khó khăn.

Như kết cấu hạ tầng lạc hậu, thiếu đồng bộ dẫn tới khả năng tiếp cận các điểm du lịch còn bị hạn chế, đặc biệt là vùng cao vùng sâu. Sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu, trùng lắp, ít sáng tạo, thiếu tính độc đáo, đặc sắc, đồng bộ và liên kết.

Ngoài ra, nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch còn thiếu, hoạt động khai thác du lịch còn mang tính mùa vụ, chất lượng dịch vụ trong mùa du lịch cao điểm chưa được đảm bảo.

Bên cạnh đó, ngân sách để quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế, đặc biệt là so với các nước trong khu vực; kinh phí chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều từ nguồn lực xã hội.

Hoạt động quảng bá còn chưa bài bản, mới dừng lại ở quảng bá hình ảnh, chưa tạo dựng được những sản phẩm đặc thù và thương hiệu du lịch. Ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành du lịch còn hạn hẹp, hàm lượng khoa học của nhiều đề tài chưa cao, cơ quan thẩm tra nhìn nhận.

Theo Vneconomy