Thứ Sáu

'Chúng ta còn cách thế giới văn minh một quãng đường dài lắm'

Khi chúng ta còn thích sống trong cảnh lờ mờ để hành xử theo “luật rừng”, tùy tiện thích làm gì thì làm, thì chúng ta còn cách thế giới văn minh một quãng đường dài lắm.

Đọc những tin tức về vụ công ty Tân Đức đem đất sét đổ trước cửa công ty Tango Candy của Nhật Bản tại khu công nghiệp Tân Đức, huyện Đức Hòa (Long An) để khủng bố và cuộc tranh cãi chưa thể ngã ngũ giữa 2 công ty này, thực lòng tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Càng xấu hổ vì lối hành xử côn đồ, mông muội của những người Việt Nam ở công ty Tân Đức bao nhiêu, lại càng ngưỡng mộ cách ứng xử của ông Tango Hirosuke- một người Nhật Bản đã 77 tuổi, giám đốc của công ty Tango Candy bấy nhiêu.

'Chúng ta còn cách thế giới văn minh một quãng đường dài lắm'
Vị giám đốc gần 80 tuổi, nhưng 1 mình dám ra khu vực đang xảy ra tranh chấp giữa 2 công ty, khi công ty Tân Đức đào ống nước, ông Giám đốc Tango Hirasuke giữa đêm đã ra cổng tự đào đất lên, tự nối ống nước. Sau đó, ông lấy cái ghế ngồi đè lên trên để ngăn cản nhân viên Tân Đức cắt đường nước. Tuy nhiên, nước vẫn không có để cung cấp cho nhà máy.

Những ngày này, sản xuất bị đình trệ, ông Tango Hirasuke yêu cầu công nhân của mình nghỉ ở nhà và vẫn trả lương thưởng đầy đủ, nhưng những công nhân người Việt Nam không chấp nhận, họ vẫn đến, trèo qua đống đất vào xưởng làm vì sợ ông chủ của mình bị thiệt thòi. Đường nước bị cắt, Tango Candy buộc phải mua nước khoáng về uống và dội nhà vệ sinh, trong sự xót xa vì tiếc tiền của công nhân.

Tất cả chỉ vì sự minh bạch. Phía Tango Candy cho biết, từ ngày bị “khủng bố” bằng hàng chục tấn đất sét, mỗi ngày Công ty Tango Candy thiệt hại khoảng 15.000USD. Thế nhưng, ông giám đốc tuyên bố sẽ không nhượng bộ, dù mức tiền mà đối tác đang đòi chỉ chênh lệch khoảng 15 triệu đồng/năm. “Thà chịu mất 1 tỷ chứ không chịu chi sai 1 đồng khi thấy không minh bạch”, đó là tuyên ngôn của người Nhật trong vụ việc này.

Và phía công ty Nhật Bản, vẫn đang yêu cầu công ty Tân Đức hành xử 1 cách minh bạch, văn minh đúng theo luật pháp, tránh những hành động có thể gây hại đến công nhân của công ty mình.

Thật không còn nỗi xấu hổ nào lớn hơn thế. Hãy hỏi tại sao chúng ta chỉ phát triển được như hiện nay, với một xã hội rất nhiều bất an, và tình người cạn kiệt. Bởi chỉ trong 1 vụ tranh chấp nhỏ thôi, đòi thêm lên 15 triệu đồng/năm, mà những người Việt trong công ty Tân Đức đang bộc lộ hết cái thói xấu và lối hành xử của mình.

Đem xe ben đến đổ đất lấp cổng, chặn cả đường xe cấp cứu chở người ốm ra khỏi công ty, đến nỗi người ta phải mang người ốm ra khỏi xe, chở đi bệnh viện bằng 1 xe khác, đào đất lên cắt đường ống nước sinh hoạt, buông ra những lời chửi bới thô tục.

Và chính quyền thì bó tay, ngoài văn bản gửi ra xin ý kiến Bộ Kế hoạch đầu tư, tỉnh Long An hầu như thúc thủ trước sự việc này, họ bảo: “Đây là tranh chấp giữa hai bên, không can thiệp được” thế là xong.

Trong khi ấy, báo chí lại đang rộ lên một vụ lình xình khác, ấy là ở Hà Tĩnh, một đại gia dựng nhà gỗ khủng trên phố đã huy động được cả 1 đội CSGT đứng chặn đường giao thông để yêu cầu người dân tham gia giao thông đi vào phần đường ngược chiều đối diện.

Khi phát hiện ra bị chụp ảnh, các chiến sĩ CSGT này mới mở 1 lối nhỏ cho người dân đi qua công trình đang xây dựng. Nhà báo hỏi đến thì ông Đội trưởng đội CSGT TP. Hà Tĩnh. cho biết: “Sự việc này không nói qua điện thoại được”.

Nhiệt tình với đại gia đến thế là cùng, phải không thưa bạn đọc? Nếu đó chỉ là một ngôi nhà bình thường, không phải là nhà gỗ khủng dựng trên phố của đại gia, liệu các chiến sĩ CSGT có xăm xắn nhiệt tình đến thế hay không? Việc làm nhà làm cửa là của cá nhân, có phải công trình công cộng đâu mà lại có quyền phong tỏa đường để người tham gia giao thông phải đi sang làn đường ngược chiều đối diện?

Thế đấy thưa bạn đọc. Ở nước ta, chuyện gì mà chẳng có thể xảy ra, kể cả ngày cũng không hết. Xấu hổ với vị giám đốc người Nhật Bản vì lối ứng xử côn đồ, mông muội của người Việt ở công ty Tân Đức. Khó hiểu vì chuyện CSGT đứng ra chặn đường giúp đại gia dựng nhà, chẳng vì một lý do minh bạch nào cả.

Khi chúng ta còn thích sống trong cảnh lờ mờ để hành xử theo “luật rừng”, tùy tiện thích làm gì thì làm, thì chúng ta còn cách thế giới văn minh một quãng đường dài lắm.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE