Thứ Năm

Tiết lộ bất ngờ về Cty nước sạch trong vụ Trung Quốc ‘trúng thầu’ đường ống sông Đà

Trước thông tin đối tác nước ngoài có ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà thầu của Trung Quốc, lãnh đạo Công ty nước sạch Vinaconex cho hay, mọi quyết định do 5 thành viên trong HĐQT đồng thuận.

Công ty Singapore nắm giữ 43,6% cổ phần, có 2 thành viên trong HĐQT

Mới đây, một số nguồn tin cho biết, nhà máy nước sạch sông Đà (Hoà Bình) do Viwasupco quản lý vận hành hiện nay đã được một đối tác nước ngoài mua lại gần một nửa cổ phần.
Công ty Singapore nắm giữ 43,6% cổ phần Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) - (Ảnh: Inetrnet).
Theo nguồn tin, thương vụ được thực hiện từ tháng 11/2010, khi Tổng Công ty Vinaconex hoàn tất việc chuyển nhượng 43,6% cổ phần của Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) cho đối tác Singapore.

Trao đổi với PV về thông tin này, một lãnh đạo Cty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) xác nhận 43,6% cổ phần của công ty do công ty của Singapore nắm giữ.
SkipAdAd finishes in 13 seconds

Trước thông tin đối tác nước ngoài có ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà thầu của Trung Quốc, lãnh đạo Công ty nước sạch Vinaconex cho hay, mọi quyết định do 5 thành viên trọng trong Hội đồng quản trị (HĐQT) đồng thuận.

“Trong 5 thành viên Hội đồng quản trị thì công ty nước ngoài có 2 thành viên. Tất cả mọi việc chúng tôi phải báo cáo để Hội đồng quản trị quyết định” – vị lãnh đạo công ty thông tin với PV.

Theo nguồn tin từ báo chí được biết, thương vụ chuyển nhượng cổ phần đã diễn ra cách đây 5 năm, ông Thân Thế Hà - Phó Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex cho biết, không thể phủ nhận họ là một thành viên quan trọng trong Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty nên cũng có quyền quyết định như các cổ đông khác.

Lý do chọn lựa đường ống 1,8m

Trong một diễn biến liên quan, có nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra quanh việc lựa chọn đường ống có đường kính ống 1,8m do nhà thầu khó đáp ứng được. Trả lời với báo giới, ông Trương Quốc Dương - Phó tổng Giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex giải thích: "Việc này phụ thuộc công suất cấp nước, giai đoạn 1 chúng tôi làm 300.000m3/giây, giai đoạn 2 thêm 300.000m3 là 600.000m3/s, đơn vị tính toán phải xem cần dùng đường ống bao nhiêu mới đủ cấp nước theo quyết định của Thủ tướng.

Các đơn vị thiết kế có chuyên môn tính toán ra, không phải do chúng tôi tự chọn. Chúng tôi cũng muốn càng bé càng rẻ tiền, dễ mua hơn, nhưng phải tuân theo yêu cầu của đơn vị tư vấn thiết kế, theo hồ sơ thiết kế do Bộ Xây dựng thẩm định. Chúng tôi cũng đã rút kinh nghiệm từ những sự cố của đường ống giai đoạn 1, nên đã phải thuê các đơn vị tư vấn có năng lực chuyên môn chứ không phải là chủ đầu tư muốn làm gì thì làm".

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty CP nước sạch Vinaconex cho biết: Việc lựa chọn vật liệu cho tuyến ống số 2 là loại ống gang dẻo đường kính DN1800 sản xuất theo tiêu chuẩn Quốc tế mới nhất ISO 2531-2009 và hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10177:2013 cho “ống, phụ tùng nối ống, phụ kiện bằng gang dẻo và các mối nối dùng cho các công trình cấp nước” đồng thời được một tổ chức độc lập, có uy tín chứng nhận đường ống đạt tiêu chuẩn sử dụng đối với nước sinh hoạt.

Các tiêu chuẩn yêu cầu đối với vật liệu do đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất, được công ty tư vấn độc lập thẩm tra và được Bộ Xây dựng thẩm định cũng như Hội đồng quản trị Công ty Viwasupco phê duyệt.

"Cùng với việc tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về đấu thầu, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới việc kiểm soát chất lượng đường ống trong quá trình sản xuất. Theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải đệ trình 1 nhà thầu quốc tế độc lập, có uy tín để thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng.

Khi sản phẩm đến chân công trình, hàng hóa cung cấp theo gói thầu này sẽ phải đáp ứng một yêu cầu kiểm tra thử nghiệm bổ sung do cơ quan có thẩm quyền trực thuộc Tổng cục Đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ của Việt Nam (QUATEST) thực hiện với sự giám sát của chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn thiết kế… Chủ đầu tư chỉ nghiệm thu và thanh toán khi hàng hóa đạt yêu cầu qua tất cả các giai đoạn kiểm tra, thử nghiệm, lắp đặt xong và thử áp thành công. Về chất lượng nước sạch, trước khi cấp nước cho khách hàng, công ty phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội xét nghiệm các chỉ tiêu chất lượng theo quy định do Bộ Y tế ban hành đảm bảo an toàn nước sạch".

Trả lời thêm về dự án này, ông Trương Quốc Dương cho biết: Thời điểm này Công ty đã có báo cáo gửi lên các cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội): Căn cứ tại Điều 64 Luật Đấu thầu quy định về điều kiện ký kết hợp đồng và các quy định khác có trong Luật Đấu thầu thì đơn vị trúng thầu không có nghĩa là sẽ được ký hợp đồng.
Tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, nhà thầu xếp hạng thứ nhất còn phải trải qua quá trình thương thảo hợp đồng với bên mời thầu.
Trường hợp thương thảo không thành công, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo; trường hợp thương thảo với các nhà thầu xếp hạng tiếp theo không thành công thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định hủy thầu.
Như vậy nếu đơn vị trúng thầu gói thầu cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện dự án nước sông Đà số 2 (Công ty TNHH Sản xuất ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) không được ký Hợp đồng với Công ty CP nước sạch Vinaconex vì các lý do được nêu trong Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Công ty CP nước sạch Vinaconex không có nghĩa vụ phải bồi thường cho Công ty Xinxing.
Điều 64 Luật Đấu thầu quy định:
“1. Tại thời điểm ký kết, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu được lựa chọn còn hiệu lực.
2. Tại thời điểm ký kết, nhà thầu được lựa chọn phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính để thực hiện gói thầu. Trường hợp cần thiết, chủ đầu tư đối với dự án, bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, đơn vị mua sắm tập trung hoặc đơn vị có nhu cầu mua sắm đối với mua sắm tập trung tiến hành xác minh thông tin về năng lực của nhà thầu, nếu vẫn đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu thì mới tiến hành ký kết hợp đồng.
3. Chủ đầu tư đối với dự án, bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, đơn vị mua sắm tập trung hoặc đơn vị có nhu cầu mua sắm đối với mua sắm tập trung phải bảo đảm các điều kiện về vốn tạm ứng, vốn thanh toán, mặt bằng thực hiện và các điều kiện cần thiết khác để triển khai thực hiện gói thầu theo đúng tiến độ.”
Nhất Nam
Theo Người đưa tin