Thứ Bảy

Giữ ụ nổi 83M làm "bảo tàng tham nhũng": Không nên

Ụ nổi 83M là minh chứng cho một sự đầu tư lãng phí, cần phải tận dụng sao cho hiệu quả nhất, chứ không nên làm "bảo tàng tham nhũng".

Không nên làm một bảo tàng lưu giữ cái xấu xa

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa có văn bản đề xuất gửi Bộ GTVT về việc xin nhượng bán nguyên trạng ụ nổi 83M của Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY) với mức giá 34,8 tỷ đồng.

Nhưng theo các chuyên gia trong ngành đóng tàu, thì sẽ không có công ty nào lại đi mua ụ nổi này về khi hiện tại chỉ còn là đống sắt vụn.

Giữ ụ nổi 83M làm "bảo tàng tham nhũng": Không nên
Nhiều độc giả cũng có đưa ra đề xuất, liệu rằng chúng ta có nên để những ụ nổi này làm thành bảo tàng tham nhũng.

Trước đề xuất trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 3/3, kỹ sư Đỗ Thái Bình, Hội Khoa Học Biển thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Thiết nghĩ đề xuất giữ lại các ụ nổi của Vinalines, Vinashin làm bảo tàng tham nhũng, chỉ là nói đùa, nói cho vui.

Còn hiện tại, ở Việt Nam còn nhiều chuyện lớn hơn, tham nhũng cũng vẫn còn đang tồn tại, thậm chí đáng sợ hơn, nhưng chúng ta còn chưa phát hiện được. Chính vì thế, làm bảo tàng tham nhũng cũng không biết để răn dạy ai, chắc chắn không có tác dụng.

Hơn nữa, chúng ta còn có biết bao nhiêu bào tàng ý nghĩa hơn, thử đặt ra câu hỏi tại sao phải làm một bảo tàng cho cái xấu xa, cái khối u nhọt đau đớn của một thời kỳ không mấy tốt đẹp".

Bên cạnh đó, theo ông Bình, ụ nổi này có bán cũng chỉ được giá sắt vụn, cân lên được bao nhiêu cân, nhân với giá thép thì ra tiền, chứ có doanh nghiệp nào dại gì lại mua của để kho bao lâu không sử dụng.

Về khả năng, có người muốn mua làm bảo tàng tư nhân, ông Bình hoàn toàn đồng tình. Nhưng theo ông, họ sẽ cân đối trên lợi ích tiền bạc, nghĩa là phía quản lý cần để đấu giá công khai, minh bạch toàn bộ về tài chính.

Ông Bình cho rằng, cứ có công ty chịu mua là được, chứ không cần phân biệt tư nhân hay nhà nước, đó có thể là một đơn vị nhà nước, một công ty hợp doanh, đại gia... mà chỉ nên quan tâm đến tiền thu về cho nhà nước là bao nhiêu.

''Nên phải cố gắng thu hồi mức cao nhất có thể, vì đó là tiền của dân. Còn chuyện mua bán cứ theo nguyên tắc xã hội rất bình đẳng, thuận mua vừa bán, kể cả đó là doanh nghiệp nước ngoài'' - vị chuyên gia nhấn mhnh.

Nên dùng làm thiết bị giảng dạy

Là người từng kiến nghị nhiều cách để tận dụng ụ nổi này một cách có hiệu quả, ông Bình chỉ rõ: "Nhà nước đang rót rất nhiều tiền đầu tư trang thiết bị cơ sở cho trường Đại học Hàng Hải, cụ thể là các phòng thí nghiệm, phòng thực hành.

Thiết nghĩ, đó là những đầu tư chưa quá cần thiết và lãng phí, đáng lẽ phải biết cách tận dụng tàu cũ, ụ nổi không còn sử dụng, đưa vào các trường liên quan đến tàu biển như Đại học Hàng Hải.

Các tàu cũ, các ụ nổi làm được rất nhiều việc, nó có thể trở thành một trường thực nghiệm, một trường học, nhưng ở đây với chúng ta là không ai muốn làm, chứ không phải không có ý tưởng, có năng lực.

Ở đây, chỉ cần giao cho tất cả các trường, các cơ quan huấn luyện, Hiệp hội đóng tàu, làm một đề tài cấp nhà nước, về việc phương án sử dụng hiệu quả các tàu cũ, các ụ nổi, khi đó các cơ quan sẽ tự lên kế hoạch".

Đưa ra thêm ví dụ cụ thể, ông Bình kể, ngay như tại trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hải Phòng, có xây một cái kéo neo trên bờ, xây gác rất cao, sau đó có máy tời. Học sinh thực nghiệm thả neo, đứng trên bờ thả xuống, rồi lại kéo lên, như một trò chơi trẻ con, không đúng thực tế.

Trong khi, chỉ cần cho ra một cái tàu thật, kéo neo thật là xong, đưa các con tàu để không vào cho các trường thực hành như vậy, ý nghĩa hơn nhiều, so với việc bán với giá sắt vụn. Hơn nữa, các trường thì lại xin tiền ngân sách xây dựng hàng loạt các bến tàu, các khu thực nghiệm giả, rất tốn kém.

Vì thế, ông Bình khẳng định: "Tất cả những con tàu cũ đó phải dùng cho giáo dục hàng hải Việt Nam, giáo dục cả quân sự lẫn hàng hải nói chung. Đây cũng là vấn đề đặt ra chung cho tất cả các nhà khoa học, đứng trước thực trạng đau đớn, phải có phương án tận dụng làm sao cho hữu hiệu nhất.

Ví dụ như cho trường Đại học Hàng Hải một con tàu, một chiếc ụ nổi, không cấp kinh phí cho trường xây phòng học, phòng học sẽ là trên tàu; không xây phòng thí nghiệm trên bờ, biến tàu thành phòng thí nghiệm. Việc này thiết thực hơn việc, lấy mấy chục tỷ đồng sơn trường, xây công trình trên bờ chứ không có thực tế trên tàu, là vô cùng bất hợp lý".

Minh Châu/Baodatviet