Thứ Ba

Đại biểu Võ Thị Dung: ‘Đạo đức giả đang lấn át’

“Quốc nạn tham nhũng”, “mất an toàn vệ sinh thực phẩm” theo đại biểu Võ Thị Dung là giặc nội xâm đang xói mòn đạo đức xã hội bên cạnh ngoại xâm ngang nhiên chiếm biển đảo.

Nỗi lo ngoại xâm, nội xâm
Cho ý kiến báo cáo tổng kết nhiệm kỳ hoạt động Quốc hội ngày 28/3, đại biểu Võ Thị Dung cho rằng Quốc hội là của dân, do dân, vì dân, vì vậy, tổng kết của Quốc hội cũng cần nêu lên nỗi lo, mong ước của cử tri, của nhân dân và nhìn lại Quốc hội đã có những giải quyết vấn đề đó như thế nào. Theo bà Dung, trong nhiệm kỳ qua nổi lên 7 nỗi lo và 3 mong ước của nhân dân cả nước.

Đại biểu Võ Thị Dung: ‘Đạo đức giả đang lấn át’
Thứ nhất, đó là nỗi lo về ngoại xâm. Trung Quốc đã ngang nhiên xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, trước đây là quần đảo Hoàng Sa, nay thêm một số đảo ở quần đảo Trường Sa. Dù Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình, nhưng họ ngày càng lấn tới. Đó là nỗi lo lớn về đại sự quốc gia.

Thứ hai, đó là nỗi lo về nội xâm. Quốc nạn tham nhũng lớn, nhỏ, tham nhũng vặt ngày càng gia tăng, ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người, việc gì cũng phải lót tay, phải chạy, phải lại quả, việc gì cũng cần phong bì, gây nên một nếp sống nguy hại cho xã hội. Tình trạng lãng phí đó cũng là quốc nạn gắn với tham nhũng, làm cản trở sự phát triển đi lên của đất nước.

Thứ ba, đó là nỗi lo về suy thoái đạo đức xã hội. Đạo đức giả ngày càng lấn át đạo đức thật, chủ nghĩa thực dụng ngày càng phổ biến trong một bộ phận xã hội và tính tham lam, tính ích kỷ, tệ dối trá, lừa đảo, cướp giật, giết người, mất an toàn trong vệ sinh an toàn thực phẩm và một số tệ nạn xã hội khác đang tạo sự bất an cho nhân dân.

Thứ tư là nỗi lo về tụt hậu kinh tế. Năng suất lao động thấp, hủy hoại cạn kiệt tài nguyên và các tiềm năng nguồn lực của đất nước do việc đổi mới chưa triệt để, chưa theo kịp sự phát triển của thế giới rất năng động và sáng tạo.

Thứ năm là nỗi lo về nợ công quá cao, chưa có biện pháp giải quyết căn cơ, ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân; lo bội chi ngân sách lớn và triền miên do còn tiêu xài quá đà, lãng phí chưa chịu dừng.

Thứ sáu là nỗi lo văn hóa dân tộc đang bị mai một, xuống cấp. Và cuối cùng là nỗi lo về sự thiếu kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo quản lý điều hành, dẫn đến tùy tiện, buông lỏng, đại khái, qua loa trong thực hiện, làm giảm hiệu lực chủ trương, chính sách pháp luật, làm trật tự xã hội suy yếu và mất dần động lực phát triển.
“Nhân dân cũng mong ước bộ máy của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp thực sự tinh hoa trí tuệ, thực sự tận tụy, thực sự liêm chính. Xã hội dân chủ, kỷ cương, an bình, văn hóa dân tộc được duy trì và phát triển bền vững, đất nước được thanh bình, thịnh vượng. Đó là mong ước rất chính đáng, vì vậy cần công khai hơn nữa toàn bộ hoạt động của Quốc hội để nhân dân cử tri theo dõi, giám sát”, bà Dung đề nghị.

Cần quy định mời khách là nguyên thủ các nước
Đề cập tới vấn đề đối ngoại, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, đón khách tới thăm Quốc hội là một trong những hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết người dân rất trân trọng khi Quốc hội đón Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, người đại diện cao nhất của tổ chức quốc tế uy tín nhất với bài diễn văn không dài nhưng rất chân thành và sâu sắc.

“Nhưng qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội tôi được chứng kiến, ngoài ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chỉ có hai lần chúng ta đón các nguyên thủ quốc gia và đều là của Trung Quốc, đó là ông Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình. Việc đón nguyên thủ quốc gia của một nước lớn, một nước có nhiều quan hệ với chúng ta là điều rất đáng trân trọng. Nhưng nếu chúng ta chỉ tổ chức thành một diễn đàn riêng rõ ràng người dân băn khoăn. Tại sao chúng ta không tạo thành một thông lệ, tất nhiên có chuẩn mực, chúng ta mời có nhiều tiếng nói hơn”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Ông băn khăn, trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước hiện nay, ai là người mời? Có phải ý chí của Quốc hội không, có chuẩn mực quy định nào được Quốc hội đồng thuận không?
Vị đại biểu Đồng Nai cho rằng cần phải làm rõ những thắc mắc trên để sau này hy vọng còn mời nhiều người khác đến nữa. Bởi diễn đàn Quốc hội là diễn đàn bày tỏ quan điểm, không thuần túy chỉ là diễn đàn xã giao.

“Người dân hỏi tôi khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu ý kiến, các vị đại biểu Quốc hội vỗ tay trong tâm thế như thế nào? Đồng thuận với phát biểu hay chỉ là xã giao? Chắc mỗi đại biểu Quốc hội có mặt hôm đó đều suy nghĩ việc này. Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta chuẩn mực chuyện đó, coi như một sinh hoạt thường xuyên của Quốc hội, có quy định rõ ràng, thể hiện sự đồng thuận của chúng ta khi đón các vị khách đến với Quốc hội, để qua diễn đàn Quốc hội người dân biết tất cả những vấn đề đối ngoại quan trọng”, ông Quốc đề xuất.
(Theo VOV)